Nên chơi nhiều game cùng lúc hay mỗi lúc chỉ nên tập trung cho một game?

Bạn có từng tự hỏi nhiều gamer khác họ đang chơi game thế nào? Nhiều trò hay chỉ một trò duy nhất vào một lúc? Liệu mình có nên chuyển sang kiểu chơi khác giống họ? Sau đây là một số lý do của hai trường phái chơi game này.

Xem thêm: Tương lai của thế giới video game

Nên chơi nhiều game cùng lúc hay mỗi lúc chỉ nên tập trung cho một game?

TRƯỜNG PHÁI CHƠI NHIỀU GAME CÙNG LÚC

Có người bạn đã kể với tôi, ảnh đã down về hơn 30 game từ Xbox Game Pass để khi tùy tâm trạng có thể chuyển qua chuyển lại chơi. Còn tùy vào thời gian rảnh nữa, nếu nhiều, ảnh sẽ chơi mấy trò liên quan tới cốt truyện, khám phá này nọ. Nếu ít rảnh, ảnh sẽ lao ngay vào một trò nhiều màn đấu riêng lẻ. Và với ảnh chơi game là vui thôi, chả cần phải kết thúc hay khám phá endings làm gì. 

Một số người khác có lý do chính đáng để chơi nhiều trò chơi cùng lúc: họ cảm thấy bị đuối, bị kiệt sức khi theo đuổi chỉ một trò chơi duy nhất vào một thời điểm.

Một số người chọn trải nghiệm ngắn để duy trì một cuộc vui dài. Với họ việc dành ra cả trăm giờ cho chỉ một trò chơi chẳng khác nào đang tự lãng phí thời gian bản thân. Trong khi cũng với quỹ thời gian đó nếu dành để chơi nhiều tựa game hay ho, hẳn họ đã có dịp trải nghiệm một phần của thế giới game sống động ngoài kia. 
 

TRƯỜNG PHÁI CHƠI NHIỀU GAME CÙNG LÚC


Một vài người chọn chơi nhiều trò chơi cùng lúc nhưng lại theo kiểu pha trộn nhiều nhịp độ lại với nhau. Chơi một game nhanh nhưng cơ chế đơn giản kết hợp với một game chậm rãi nhưng đòi hỏi nhẩn nhơ khám phá sâu sắc. Vì với họ, đó là cách tốt nhất để lấy lại cân bằng.

Tuy nhiên khi chọn chơi nhiều game cùng lúc, bạn sẽ có thể bị cái cảm giác này: không hoàn toàn yêu thích thứ gì, không “cảm” được trò đang chơi. Bạn sẽ không thấy được hết thế giới đen tối trong Elden Ring, cũng không phiêu hết được với các cuộc đua tốc độ càng về sau càng cuốn trong Need for Speed: The Run. 

Xem thêm: Hướng dẫn khởi đầu Elden Ring - Mẹo cho người mới nhập môn

Tình trạng này ok với các game đánh xong rồi thôi, nhưng với các game có đi kèm với cốt truyện thì như vầy rõ ràng là rất dễ đứt đoạn dòng suy nghĩ. Câu chuyện vì thế mất đi vài phần hay ho.

TRƯỜNG PHÁI CHƠI CHỈ MỘT GAME VÀO MỘT THỜI ĐIỂM

Giống như bạn không thể vừa nghe điện thoại, vừa nhắn tin trên máy tính, vừa hoàn thành report tháng của công ty. Một số người chỉ làm được một việc một lúc. Chơi game cũng tương tự các tác vụ hàng ngày của đời sống.

Nhiều người trong chúng ta khó có thể tập trung làm tốt nhiều việc cùng lúc, thì việc chỉ chọn một game tốt nhất để chơi trong một thời điểm là điều nên làm.
 

TRƯỜNG PHÁI CHƠI CHỈ MỘT GAME VÀO MỘT THỜI ĐIỂM


Một lý do khác xem ra khá hợp lý để lý giải cho việc chỉ chơi một game vào một thời điểm: bạn muốn thật sự tập trung và thưởng thức chiều sâu của câu chuyện. Tưởng tượng bạn đang chơi một trò chơi hay có cốt truyện trinh thám nhiều tình tiết phức tạp, xem là phải xem hết để nắm được đường dây, còn xem vài trang rồi lại nghỉ tuần sau xem tiếp. Nó vừa ức chế mà lại vừa bị mất dòng cảm xúc. Dữ liệu đã thu vào đầu để chuẩn bị được phân tích cũng bị xóa đi bởi các phân tâm khác, từ đó câu chuyện rời rạc, không còn hấp dẫn như nó vốn có. 

Một vài người chọn chơi 1 game lớn vào một thời điểm thay vì nhiều game vì họ muốn thưởng thức trọn vẹn lối chơi kỳ lạ của trò chơi đó. Điều này áp dụng với một số game sở hữu gameplay không giống ai, từ đó giờ mới gặp. Chơi như vầy sẽ giúp bạn khám phá toàn bộ ngóc ngách hay ho của lối chơi. 

Chơi một game một lúc cũng có thể theo nhiều biến tấu khác nhau

Với trường phái chơi game này, khi hoàn thành một trò chơi hoặc nhắm việc phá đảo là điều không bao giờ xảy ra nên chấp nhận bỏ cuộc, sau đó họ mới chuyển sang trò chơi tiếp theo. 

Một số chọn chuyển qua cái mới liền, là một bom tấn khác đòi hỏi nhiều giờ chơi tập trung. Một số khác lại cần “bước đệm” - một trò chơi nho nhỏ xinh xinh ngắn gọn nào đó, khiến đầu óc họ thư giãn, bớt căng ra,  thoải mái rồi mới sang một trò chơi lớn khác.
 

Chơi một game một lúc cũng có thể theo nhiều biến tấu khác nhau


Một cách suy nghĩ khác: thay vì chơi nhiều game cùng lúc, bạn sẽ thấy dễ thở hơn nếu chơi Một game có Nhiều người cùng lúc. Như MMORPG chẳng hạn. Thế giới luôn thay đổi với sự gặp gỡ nhiều nhân vật người chơi cá tính khác nhau sẽ giúp bạn luôn lấy lại sự tươi mới trong trò chơi đã cũ. 

Vậy nên chơi nhiều game cùng lúc hay mỗi lúc chỉ nên tập trung cho một game?

Dù bạn theo trường phái nào, đa phần tất cả các ý kiến mình từng thấy được trên các diễn đàn game đều là “Còn tùy”. Nghĩa là không có bất kỳ lời khuyên hay đáp án đúng nào cho việc Nên chơi nhiều game cùng lúc hay mỗi lúc chỉ nên tập trung cho một trò chơi. 

Nó sẽ còn tùy vào thể loại game, tâm trạng, cách thức chơi, khả năng tập trung cùng nhiều yếu tố cá nhân khác. 

Ví dụ một số bạn không gặp vấn đề gì khi kết hợp các trò đua xe hoặc đua xe có yếu tố bắn súng như Forza Horizon chơi cùng lúc với GTA hoặc Battlefield. Nhưng lại khó lòng kết hợp cùng lúc hai ba game kiểu vừa hành động bắn súng ì đùng với thể loại tiểu thuyết câu chuyện tương tác thâm thúy bí ẩn. Họ cho rằng chúng quá chõi nhau. Chơi như vậy tâm trạng cứ như bị giật dây kèo từ thái cực này sang thái cực khác không thể chuyển đổi kịp. 
 

Vậy nên chơi nhiều game cùng lúc hay mỗi lúc chỉ nên tập trung cho một game?


Yếu tố phần cứng và nền tảng đang dùng cũng có ảnh hưởng tới quyết định chọn chơi 1 hay nhiều game cùng lúc. Ví dụ bạn có thể chơi Space Engineers ở chế độ nền trong khi chạy qua Witcher 3 vì tốc độ SE khá chậm có khi bạn phải chờ đợi hơi bị lâu. Trong khi đó The Witcher 3 luôn ở đó, đợi sẵn bạn mọi lúc.

Chiều sâu gameplay xem ra cũng là một yếu tố quyết định lớn để việc chơi nhiều game hay chỉ một game một lúc. Nếu một trò chơi dài, có sự lặp lại và cơ chế khá nông cạn, dẫn tới việc nhàm chán là đương nhiên. Sau thời gian chán chán đó họ có xu hướng muốn tìm tới với một số trò chơi ngắn hơn nhưng cho trải nghiệm sống động, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều nhưng bù trừ xứng đáng cho sự hụt hẫng về cơ chế đã có trong game dài trước đó. 
 

Chiều sâu gameplay xem ra cũng là một yếu tố quyết định


Sự thật là có rất nhiều gamer không hẳn thuộc trường phái nào cả. Họ đâu đó ở giữa. Khi này khi khác. Nhiều anh em mình biết, có cả lô trò chơi down sẵn để đó từ từ nhâm nhi. Có khi cao hứng một ngày chơi thử tới 2-3 game, dĩ nhiên không quan trọng về đích. Nhưng cũng chính mấy tay đó có thời gian khá dài lại chỉ chơi duy nhất một trò (như kiểu Path of Exile, Skyrim, hay Diablo 3) và thật sự đắm chìm trong đó cho tới khi muốn dừng lại. 

Nhiều người đã chọn chơi game theo các cách khác nhau? Còn bạn? Bạn thuộc trường phái nào?