Thực sự có mối liên hệ giữa Chơi game và Làm nghệ thuật? Mời bạn cùng nghe người trong cuộc

Bạn có bao giờ ngồi ngẫm nghĩ về thú chơi game của mình? Với bạn nó chỉ là một niềm vui giải trí qua đường, cho qua những giờ căng thẳng giữa cuộc sống hay liệu game nó đã trở thành một niềm cảm hứng, một loại hình nghệ thuật ăn sâu vào đời sống cá nhân?
 

Bạn có bao giờ ngồi ngẫm nghĩ về thú chơi game của mình?


Dù có nghĩ thế nào thì thực tế lịch sử trò chơi đã chứng minh sự ra đời của video game vào đầu những năm 80 gần như thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. 

Từ đó tới nay, dù thưởng thức game theo cách nào, chúng ta đều đã chứng kiến rất nhiều tác phẩm game nghệ thuật, siêu game huyền thoại và cả nhóm trò chơi nhỏ đầy sáng tạo ra đời. 
 

game huyền thoại và cả nhóm trò chơi nhỏ đầy sáng tạo ra đời


Larry Achiampong là một nghệ sĩ người Ghana gốc Anh đã và đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: điêu khắc, nghệ thuật ghép ảnh, âm nhạc, phim ảnh, và hiện đang có các buổi triển lãm đương đại về một số chủ đề khác nhau được nhiều người quan tâm tại Anh. 

Một trong những tác phẩm gần đây nhất là Thiết lập một Phòng chơi game, nằm trong khuôn khổ triển lãm Wayfinder tại Turner Contemporary ở Margate. Tác phẩm đã gây chú ý lớn và trở thành cảm hứng cho một cuộc phỏng vấn “lãng mạn” về chủ đề Game và Làm nghệ thuật.
 

Một trong những tác phẩm gần đây nhất là Thiết lập một Phòng chơi game


Để hiểu hơn về cảm quan nghệ thuật và những giá trị không gì đánh đổi được mà nhân loại thừa hưởng từ thế giới trò chơi, nhân một vài ngày nghỉ Tết thư thả một chút, mời bạn đọc qua buổi phỏng vấn nho nhỏ với Larry Achiampong.

Anh bắt đầu chơi game từ năm bao nhiêu tuổi, chuyện lúc đó thế nào ta? Và không biết nó tác động thế nào đến lúc trưởng thành?

Tui thuộc thế hệ 8x, 9x, đó là thời của game 8-bit đó các bạn. Gia đình tui, anh trai và cả tui nữa đều lớn lên cùng SEGA Master System. Một kỷ niệm đầu tiên nhất là hồi tui chơi Safari Hunt rồi sau đó là Shinobi. 

Giờ tui còn nhớ như in luôn. Cảnh đầu tiên của Shinobi lúc đó tui được đi bộ trên một con phố giống như của New York, rồi ập vào mắt là poster của Marilyn quá sức đẹp. Hình ảnh đó thật sự theo tui một thời gian dài.

Anh bắt đầu chơi game từ năm bao nhiêu tuổi

Sau đó có lần tui tới chơi nhà ông anh họ. Ổng có một cái máy NES, ổng đang chơi Super Mario Bros. 3 say sưa. Trời ơi bạn biết hông, cái âm thanh mê đắm kỳ lạ đó của trò chơi đã hạ knock out tui từ những nốt đầu tiên. 

Bạn biết mà, kể cả khi bạn không trực tiếp chơi, chỉ ngồi coi và nghe thôi, từng nốt của nó cũng thấm sâu vào tim và ký ức. Nó giống kiểu thấy ai đang ngáp thì bạn ngáp theo á, lây lan liền lập tức như vậy. Đó cũng là một trong số ấn tượng khó quên về game.

Nhà tui vốn nghèo nha, thuộc tầng lớp lao động thấp cho nên từ nhỏ dù biết mình thích gì tui cũng chưa từng bao giờ được đến xem các phòng trưng bày nghệ thuật. Tui chỉ biết ngồi nghe mấy người đã đi xem về kể lại mà thèm thuồng thôi.

Nhưng ngoài mê nghệ thuật thì tui còn mê game. Và vì không coi nghệ thuật được nên tui dồn hết niềm say mê cho trò chơi. Và mấy thứ khác nữa, như truyện tranh, phim hoạt hình các thứ. 

Với tui, chơi game có thể giúp bạn tìm ra được cách giải quyết mọi vấn đề trên thế giới, trong đời sống thực, xung quanh bạn. 

Xem thêm: Xài Switch 5 năm người trong cuộc nói gì?

Vì bạn được truyền cảm hứng, được gợi ý, được đồng cảm. Bản thân bạn còn cảm nhận được sức mạnh, có một nguồn năng lượng tốt chảy qua người bạn và mang cho bạn nguồn sinh lực để đứng lên đối diện với vấn đề của mình.

Tui đã chơi game trong rất nhiều năm rồi đó. Với tui chơi game, thâm nhập vào một môi trường ảo, chính là cảm hứng quan trọng trong việc làm nghệ thuật.

 

Nhớ lại hồi đại học, và cả sau đại học nữa, ai chơi game trong trường là bị phản đối dữ lắm. Người ta hay bảo đứa nào suốt ngày chơi game là đồ trẻ trâu, không nghiêm túc, hông đáng tin cậy, hông có tương lai. Ờ, chắc bạn vài lần cũng từng nghe mấy câu kiểu vậy. Hồi đó bị nói vậy tui bực lắm. Rồi lại đang trong giai đoạn muốn tập trung sự nghiệp nữa. Cho nên có một quãng thời gian tui xa lánh thế giới game yêu thích một thời của mình.

Nhưng đúng vào lúc đó, tui với người yêu có em bé. Đó là năm 2008. Tự nhiên nhìn đứa nhỏ lớn lên mỗi ngày, tui hay tưởng tượng ra cảnh có một ngày mình sẽ cùng thức đêm hú hí với nó, ôm nó vào lòng mỗi khi bấm pad chơi game. Cảnh tượng đó với một gamer nó rất ấm áp tình cảm.

Thế là tui chơi game trở lại, còn hăng say và mê mải hơn trước. 

Lúc làm ra các phần của triển lãm này, bao ký ức trò chơi trong tui ùa về. Tui nhớ ra tuổi thơ mình đã từng có lúc cuồng si GameMasster, còn đặt mua cả tạp chí Nintendo chính thức mà hiếm lắm mới tìm được để về nhâm nhi từng câu chữ trong đó. 
 

Thế là tui chơi game trở lại, còn hăng say và mê mải hơn trước


Tui nhớ lại ký ức về giai điệu trong những con game đầu tiên mình chơi. Tự nhiên tui nổi da gà nha. Vì nghĩ “Trời đất ơi, có một nhóm người ở Nhật, cách xa mình hàng ngàn dặm kìa, người ta đã tạo ra một thứ có thể kết nối với trái tim mình”.

Mà không chỉ có cảm giác đồng cảm, được khơi gợi cảm hứng để giải quyết vấn đề, game còn là tập hợp những khoảnh khắc tuyệt đẹp của cuộc đời. Chơi game cũng là khi bạn chìm đắm trong suy nghĩ “ồ cái này đúng là được làm riêng cho mình, trong đây mình có thể sống, hít thở và tung tăng làm mọi điều mình thích”. 

Còn một chuyện nữa hơi tế nhị nhưng nó là thực tế. Bạn biết rồi đó với một đứa trẻ da đen như tui thì giáo dục khi đó là thứ quá xa xỉ. Hầu như không có thứ gì được đại chúng làm ra mà dành cho một đứa con nít đen nhẻm hết, ít nhất là ở nơi tui từng sống. Nhưng trò chơi điện tử thì khác, không có giai cấp, không có chủng tộc, có phân biệt đối xử, mọi cá nhân đều bình đẳng trước một trò chơi.

Trong triển lãm Wayfinder, chúng tôi cảm nhận được rất rõ một hành trình phổ biến. Ý tưởng du lịch và khám phá đó hình thành thế nào trong quá trình làm việc của anh?

Bạn biết không? Lúc chơi game là khi tui có nhiều ý tưởng nhất, lạ kỳ là chúng được phát triển lên thành một hành trình rất tự nhiên.

Lấy ví dụ như vầy. Tui rất thích series Zelda. Cùng là một series game nhưng cách tạo ra từng trò chơi là hoàn toàn khác nhau. Đơn cử như hai trò tui thích nhất là Ocarina of Time và Majora's Mask. Majora's Mask liên quan tới Ocarina of Time như kiểu là anh em họ trong gia đình. 
 

Lấy ví dụ như vầy. Tui rất thích series Zelda


Trong khi Ocarina of Time chơi theo cách khá an toàn, thì Majora's Mask lại chứa nhiều thứ dữ dội, tâm lý đen tối hơn. Nhưng cốt truyện lại mang tính kế thừa, và âm thanh của cả hai trò chơi này đều có rất nhiều bản chất liên quan tới nhau, và đều đề cập tới một vật dụng dân gian truyền thống nào đó. 

Lúc nhớ lại 2 trò này, tui tự nhiên liên tưởng tới các dự án nghệ thuật của mình và đã nghĩ ra cách để phân chia bố cục cũng như cảm giác chung khi nhìn vào. Như Triển lãm Wayfinder này, tui chia thành 6 chương. Mỗi chương có một môi trường hoàn toàn khác nhau, giống như các phần của Zelda, hay nhiều trò chơi khác. Bạn có thể nhìn ngắm từng phần dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhưng khi đặt dưới một góc nhìn tổng quan chung thì chúng lại gộp thành một câu chuyện khám phá liên tục, hài hòa. 

Quan trọng hơn là mỗi phần, một chapter giống như các tựa game trong series đều sẽ gắn liền với những cảm xúc khác nhau. Bạn có nhớ Tales of Symphonia? Có một mối liên quan đậm đặc giữa cuộc hành trình với số phận của một nhóm người. Cuối cùng có người sẽ rời nhóm, có người mất đi và có người còn sống trong hối hận. Dù kết thúc theo cách nào, hành trình đó vẫn quá nhiều cảm xúc, tức giận, thăng trầm, vui buồn lẫn lộn. Nhưng rốt cuộc hành trình vẫn tiếp tục diễn ra, không thể dừng lại được.
 

Bạn có nhớ Tales of Symphonia?


Tui muốn các tác phẩm nghệ thuật của mình cũng như vậy. Bạn có thể bức bối khi nhìn, khi xem chúng, bạn có thể vui vẻ, yên âm, buồn bã nhưng cuối cùng bạn vẫn luôn có nhiều động lực để xem hết từ đầu đến cuối. Vừa xem vừa chiêm nghiệm lại cuộc đời mình.

Trong triển lãm của anh có một phần khá lạ gọi là “who were you painting this for” - bạn vẽ cái này cho ai? Trong đó ít nhiều liên quan tới một số tác phẩm nghệ thuật. Lúc xem chapter này chúng tôi đã nghĩ tới thế giới muôn màn của game Indie. Bạn nghĩ gì về game và cách nó thể hiện ra cho tất cả mọi người và mọi nền văn hóa?

Nói thật tui có một suy nghĩ hơi kỳ lạ như vầy. Một khía cạnh nào đó, tui thấy chơi game đang ngày “đi đúng hướng” hoặc theo hướng tốt hơn so với việc làm phim hay làm nghệ thuật. Ayda, nói vậy thì hơi tư duy cá nhân nhỉ? Nhưng có lý do để tui nghĩ vậy.

Trong 20 năm tui đã đi qua, có rất nhiều thứ đã thay đổi, nhưng rõ ràng tốc độ và cách thức chơi game, bạn để ý đi, nó vẫn vậy hà. Đơn giản là vì kỳ vọng của con người với mức độ trung thực, độ phức tạp của trò chơi dường như không đổi. Tuy nhiên cách người ta mong muốn thấy nơi một trò chơi theo thời gian lại trở nên cực kỳ phức tạp và đa dạng.
 

Trong 20 năm tui đã đi qua, có rất nhiều thứ đã thay đổi


Nếu so với các siêu game từ các nhà phát hành lớn như EA hay Ubisoft… các game indie chắc chắn không thể vượt mặt về độ đầu tư hay truyền thông rầm rộ, tuy nhiên trong cái nhỏ người ta lại có dịp vẫy vùng. Cac nhà phát triển game indie thường có thể bộc phát nhiều ý tưởng mới lạc và có ngay đất để thể hiện mọi thứ với người chơi tương lai. Đó là họ đang “vẽ” ra cho một nhóm người chơi nhất định, không phải cho đại chúng.

Còn nói về việc game thể hiện văn hóa thế nào. Bạn còn nhớ Street Fighter 2, các nhân vật, đòn tấn công combo dữ dội, bối cảnh âm thanh của từng màn chơi? Nó gắn liền với văn hóa của nhiều đất nước khác nhau. Và bạn dù muốn dù không cũng sẽ được tiếp thu một phần nhỏ của các văn hóa đó, thông qua trò chơi. 

Một trò chơi indie gần đây tui có chơi và quá sức ấn tượng đi, là Hollow Knight. Nếu bạn nhìn kỹ sâu hơn về mặt ẩn ý của từng cảnh chơi, hay là vì tui nhìn nó với đôi mắt của người làm nghệ thuật ta. Dù gì thì có rất nhiều ẩn ý trong trò chơi này các bạn ạ. Về giai cấp qua cách các sinh vật chạy đua vào khu vực khác nhau, về tình dục thông qua một số nhân vật tưởng bình thường hóa ra lại kỳ lạ. 
 

Còn nói về việc game thể hiện văn hóa thế nào


Nếu bạn chơi game này một cách đơn thuần như đang thưởng thức một trò Metroidvania khó nhằn thì cũng rất ok. Mà nếu bạn là người thích suy tưởng viễn vông này nọ thì Hollow Knight vẫn có quá trời đất để bạn suy diễn này nọ cao siêu. Bạn thấy hông, cùng một trò chơi nhưng ẩn chứa nhiều tầng nghĩa và cuối cùng kết quả là nó Indie nhưng không bỏ sót nhóm người chơi nào hết.

Có một phần nữa cũng khá hay trong triển lãm - Gaming Place, việc làm ra khu vực Gaming Place có dụng ý gì? Anh có nghĩ là trong không gian như thế mọi cách thức giao tiếp của người chơi sẽ dễ dàng hơn?

Tui muốn nhấn mạnh một điểm là ở đây tui muốn nói về việc chơi game như một NGHỆ THUẬT. Và vì vậy, góc chơi game này bạn có thể gọi là “góc chơi game nghệ thuật”.
 

Tui muốn nhấn mạnh một điểm là ở đây tui muốn nói về việc chơi game như một NGHỆ THUẬT


Bạn nhìn thấy mấy cái beanbag đằng kia rồi cả hàng ghế dài nữa. Từ đó bạn có thể nằm, ngồi lắng nghe âm thanh của các trò chơi. Tui chọn tone màu cho tất cả vì đó là màu sắc khiến tâm trí con người nhảy nhót, nhìn mọi thứ trở nên hấp dẫn hơn. Với tui chơi game là phải vui, nằm dài trên thảm phòng khách, vừa bấm nút vừa nói nhảm với mấy người xung quanh.
 

Bạn nhìn thấy mấy cái beanbag đằng kia rồi cả hàng ghế dài nữa


Dù bạn đang chơi solo, local co-op hay online nhiều người chơi, chơi game tức là bạn đang thưởng thức một nghệ thuật nhưng mà phải THOẢI MÁI. Thoải mái, vui vẻ, đầy hưởng thụ chính là cốt lõi của mọi trò chơi.

Anh đã từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau và còn là người thích chơi game, đã bao giờ anh nghĩ mình muốn tham gia phát triển hoặc tự làm ra một trò chơi?

Chắc chắn là có rồi. Sao tui có thể bỏ qua đam mê của mình chứ. Tui đang làm ra một game . trải nghiệm online mang tới cảm giác như tác phẩm nghệ thuật như hồi tui làm việc với series Relic Traveller, nhưng lại là tựa game đúng nghĩa

Tui còn phải học hỏi nhiều lắm, vì còn muốn khám phá nhiều điều hơn trong việc xây dựng nên một trò chơi hoàn chỉnh. Sẽ còn nhiều người tui muốn được làm việc cùng trong tương lai để đi sâu hơn vào tựa game tương lai của mình. Nói chung rất là háo hức.
 

Chắc chắn là có rồi. Sao tui có thể bỏ qua đam mê của mình chứ


Cái này giống như trải nghiệm nhiều năm về trước của bản thân. Lúc còn đi học, tui thích nhạc nhưng thay vì nghe tui đã tự học cách làm nhạc, rồi sau đó là làm phim. Mà bạn biết không, vui lắm, tuy học trường nghệ thuật nhưng hầu hết mọi thứ tui học được là từ vô số các cuộn băng VHS xưa và nghe rất nhiều tác phẩm nhạc pop kinh điển và cả trò chơi nữa.

Tui đã từng bỏ ra thời gian 3 năm để theo đuổi một dự án âm nhạc, lần tìm ra những giai điệu, tiết tấu nhỏ nhất để thể hiện đúng tinh thần của chủ đề. Tui cũng muốn làm việc với game bằng tinh thần đầy mê thích nhưng thận trọng và đầu tư hết tâm trí như vậy.

Tui có thể hồ hởi làm nhạc làm phim nhưng lại khá hồi hộp và đắn đo nhiều khi làm game. Tui tôn trọng game lắm, nói là tôn thờ cũng đúng. Cho nên tui muốn đã làm là làm cho ra, không phải tạo ra một trò chơi mà người ta gọi là “một trong các trò”, tui muốn trò chơi trong tương lai của mình sẽ có sức sống riêng và người chơi sẽ nhìn nhận nó như một tác phẩm nghệ thuật.

Có thể tui thành công mà cũng có thể tui thất bại. Nhưng tui biết trong toàn bộ quá trình làm game đó, tình yêu gaming của tui lại một lần nữa sống dậy vẹn toàn và sinh động hơn bao giờ hết.

Liệu mê game và thích chơi game hoặc chơi game giỏi thì có thể tham gia sáng tạo làm game? Bạn có nghĩ có mối liên hệ nào ở đây?
 

Liệu mê game và thích chơi game hoặc chơi game giỏi thì có thể tham gia sáng tạo làm game?


Tui thích chơi game tới mức độ có thể nghĩ ra mồn một cảnh mình đã là một ông già ngồi ung dung trên ghế sofa tay bấm controller miệng cười nhẹ móm mém. 

Nếu bạn thật sự thích game và muốn mình trở thành một phần của thế giới trò chơi, có thể tự mình tạo dựng nên thứ mình yêu thích, và phải có tài năng phù hợp nữa, cả lòng kiên nhẫn, thì nên thử quá đi chứ.