Tương lai của thế giới video game và dự đoán các xu hướng làm nên ngày tháng rực rỡ phía trước
Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại cả thập kỷ qua, có thể thấy tương lai của ngành công nghiệp trò chơi điện tự rất sáng lạng. Nhu cầu chơi game tăng (dù thế giới bên ngoài có trải qua nhiều sự kiện quan trọng khiến hành vi tiêu dùng thay đổi), công nghệ phát triển rực rỡ ở quy mô toàn cầu, nhiều cách thức tiếp cận trò chơi và thu hút tiêu xài trong game nở rộ.
Mới đây theo phân tích dự đoán của Bain, một công ty nghiên cứu thị trường, đã cho thấy doanh thu toàn cầu của ngành game nói chung có thể tăng lên đến hơn 50% trong vòng 5 năm tới. Chỗ đứng của game thủ sẽ là metaverse, và tách biệt hoàn toàn với nhóm tiêu dùng khác.
Mọi minh chứng, dữ kiện đều cho thấy tương lai rộng mở của ngành game. Và game, bằng nhiều cách khác nhau, đã trở thành một phần không thể thiếu của nhiều triệu người trên thế giới. Chúng ta cùng xem qua những xu hướng dự đoán sẽ đến trong ngành công nghiệp game trong tương lai nào,
XU HƯỚNG #1: Doanh thu trò chơi điện tử toàn cầu có thể tăng hơn 50% trong 5 năm tới
Chưa có bất kỳ ngành công nghiệp nào mà mọi người đều có cơ hội ngang nhau. Chỉ cần tìm ra được lối đi riêng, có kế hoạch tiếp cận truyền thông đúng đắn, đúng người, đúng thời điểm, ai cũng có thể thành công.
Từ các game AAA bom tấn được đầu tư nhiều có độ phân giải cao như Red Dead Redemption 2, Horizon Forbidden West, Elden Ring… cho đến các trò indie phong cách pixel art có chi phí (và cả số lượng nhà phát triển) cực kỳ khiêm tốn như Stardew Valley, Hollow Knight… đều có cơ hội trở thành ngôi sao trong lĩnh vực của mình.
Tất cả đã cùng đóng góp phần không nhỏ vào doanh thu chung của thị trường game.
Sự đa dạng của các nền tảng cũng là động lực không nhỏ. Sự ra đời và phát triển điên cuồng của game mobile (ngoài PC, console) đã tạo nên một làn sóng thu nhập khổng lồ cho các nhà phát hành, phát triển game, và dĩ nhiên trở thành góc doanh thu đáng kể của thị trường, dự sẽ còn bành trướng trong tương lai, tỉ lệ thuận với tốc độ nở của thị trường thiết bị di động.
Game VR thì sao? Có ít người chơi hơn nhưng có sức hấp dẫn cao, tiềm năng đóng góp vào lợi nhuận của ngành trò chơi ngày càng lớn, nhất là khi chúng mở ra vô vàn các kiểu giao dịch nho nhỏ lớn lớn trong các trải nghiệm khi chơi: sự kiện ảo, mua bán đồ ảo. Chưa kể còn nối kết chặt chẽ với doanh thu của các thiết bị chơi game VR với giá đắt và nhiều phụ kiện đi kèm.
Để tận dụng tối đa các cơ hội, tiềm lực này, kể từ 2019, chúng ta đã liên tục chứng kiến hàng loạt các cuộc đầu tư mạo hiểm thông qua những dự án kickstarter, hoạt động mua bán, sát nhập của các đại gia công nghệ, công ty phát hành lờn hoặc cả màn đầu tư khủng của các công ty phát triển trò chơi.
Sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi còn được đẩy nhanh hơn nữa nhờ độ tuổi chơi game ngày càng rộng mở. Nhất là giới trẻ 13-17 tuổi. Các cô cậu thanh thiếu niên này trung bình dành 40% quỹ thời gian một ngày để chơi game. Gaming với mấy bạn nho nhỏ này còn chiếm sóng hơn cả mạng xã hội hay các giao tiếp, hoạt động offline bên ngoài.
Tụi nhỏ muốn dành nhiều thời gian vui vẻ hơn trong thế giới ảo, nơi họ tìm thấy mọi mối quan hệ đẹp đẽ, nơi khiến họ thoải mái hơn và không bị tác động bởi quan điểm của người lớn. Bước sang tuổi lớn hơn 18-34 tuổi, thời gian này, một gamer sẽ có nhiều kết nối hơn với xã hội thực bên ngoài, thời gian dành cho việc học, xây dựng mối quan hệ, đi làm cũng nhiều hơn, thời gian cho game giảm đi nhiều.
Xem thêm: Chơi game có gì hay? Bạn chơi game tới năm bao nhiêu tuổi?
Sự tăng lên đáng kể của nhóm tuổi nhỏ này đã khiến thị trường game được dịp bùng nổ nhất là trong vòng 1 thập kỷ qua.
Xu hướng #2: Tiến bộ công nghệ mới giúp thị trường game mở rộng hơn bao giờ hết
Công nghệ không chỉ khiến việc chơi game nhanh hơn khi tải về xử lý, hấp dẫn hơn khi nhìn hình ảnh chiêm nghiệm âm thanh mà còn giúp thay đổi cả bản chất của game.
Tăng sức mạnh xử lý, giảm độ trễ, kết nối đa dạng hơn, có nhiều phụ kiện hơn. Nhưng đó chỉ là một phần lợi ích của công nghệ.
Cốt lõi sức mạnh công nghệ mới tác động vào trò chơi nằm ở việc nó cho phép các nhà phát triển tạo ra được một thế giới ảo rộng lớn hơn cả những gì con người có thể tưởng tượng.
Các môi trường trò chơi đặc biệt phức tạp hơn như Thực tế ảo và Thực tế tăng cường đã mở ra trải nghiệm sống động cho người chơi, góp phần tạo nên một thế giới mà người chơi có thể thật sự hòa mình vào như thật. Bạn có biết là số lượng VR headset Meta Quest 2 tính ra bán còn nhiều hơn cả Xbox Series X và S cộng lại? Đã minh chứng cho sự tò mò và tiềm năng khủng của các môi trường công nghệ cao này?
Có nhiều tiến bộ công nghệ vượt bậc khả đã trở thành công cụ tạo nên trò chơi (như Unity và Unreal của Epic Games hay các cải tiến về đồ họa 3D cao cấp), khiến một tựa game trở nên trung thực và dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Và không chỉ độc quyền không chia sẻ, các công nghệ này đã được cascade ra ngoài và đang trở thành nền tảng phát triển quan trọng trong nhiều tựa game hiện tại và sau này.
Công nghệ không dừng ở đó. Khi mọi thứ đã bình đẳng, ai cũng có thể tạo ra được cho mình một thế giới ảo đẹp đẽ. Nhưng lúc này sự thành công của một trò chơi lại đổ dồn về trải nghiệm. Thế giới ảo không những phải đẹp, xinh lung linh mà còn phải vui vẻ, mang tính xã hội cao và được thiết kế liền mạch hợp lý.
Chính các công nghệ phụ trợ khác sâu hơn trong các giai đoạn phát triển của người làm game đã giúp mỗi bên tạo nên điều này, mang lại quá trình chơi game sâu sắc hơn cho người dùng.
Cả các tính năng mới cải tiến trong trò chơi cũng góp phần giúp người chơi thoải mái hơn: tự động save game, khi off máy vẫn còn auto đấu, tính năng cross-play giữa các nền tảng khác nhau, liên kết với tiền ảo hoặc NFT qua các vật phẩm đặc biệt… tất cả tạo nên bức tranh muôn màu cho thế giới trò chơi hiện đại.
Xem thêm: NFT chủ đề được nhắc tới nhiều nhất trong thư đầu năm của Square Enix
Xu hướng #3: Nhà phát triển và phát hành có nhiều hình thức moi tiền khéo léo hơn từ trò chơi
Không phô như trước kia, các mô hình kiếm tiền từ game ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ và các khái niệm mới, đã trở nên tinh vi và khéo léo hơn nhiều. Thậm chí có nhiều trò chơi miễn phí hoàn toàn trên các nền tảng nhưng rốt cuộc để đi thật sâu và thưởng thức tận cùng bạn có khi vẫn phải chi ra một khoản nhất định nào đó.
Đưa ra nhiều trải nghiệm hơn, nhiều hình thức nối kết xã hội hóa trong game là một cách thức phổ biến để kiếm tiền từ game (tổ chức các sự kiện theo dịp, sự kiện ảo, mua bán giao dịch vật phẩm ảo trong trò chơi…)
Nhiều trò chơi ngày nay đã bắt đầu rục rịch dùng công nghệ blockchain giúp người chơi có cơ hội sở hữu nhiều nhân vật và phụ kiện, vũ khí, trang thiết bị độc hơn. Cả khái niệm NFT tài sản ảo cũng được đưa vào với nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên các hoạt động này vẫn còn khá mới mẻ và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cả người chơi lẫn nhà phát triển. Sẽ còn nhiều bất ngờ khó nói trước về lĩnh vực blockchain/ NFT trong game, có thể sau này chúng ta sẽ nói về nó nhiều hơn trong một bàn phân tích khác.
Xem thêm: Konami sinh nhật thứ 35 của Castlevania bằng đấu giá NFT
XU HƯỚNG #4: Quản lý các franchise tốt hơn và có kế hoạch thu hút nhiều nhân tài trong tương lai
Xu hướng thứ ba đại diện cho tương lai của ngành công nghiệp trò chơi sẽ có liên quan tới vấn đề Nhượng quyền và Nguồn nhân lực của ngành game.
Nói về Quản lý nhượng quyền thương mại trước.
Khi một trò chơi bắt đầu lớn hơn, vượt xa tưởng tượng hoặc tầm kiểm soát ban đầu của nhà phát triển, phát hành. Nó tồn tại lâu, có được lượng người chơi khủng và có nhiều tiềm năng mở rộng trong tương lai, quan trọng, nó đã là một tài sản trí tuệ điển hình (IP). Lúc này các cách thức Quản lý nhượng quyền thương mại trở nên cực kỳ quan trọng.
Nhiều năm trước Quản lý franchise trò chơi chỉ đơn giản là tìm cách kéo dài tuổi thọ của game và thu hút nhiều người chơi hơn qua các phần tiếp theo, tiền truyện hoặc DLC.
Nhưng giờ mọi chuyện không đơn giản như vậy nữa. Quản lý Franchise của một trò chơi còn là nắm bắt tiềm năng, khai thác triệt để một tựa game dài để đưa nó vượt ra khỏi phạm vi trò chơi đơn thuần (đưa thành phim, hoạt hình, triển lãm hoặc một số phương tiện truyền thông khác). Còn là đưa tựa game dài hơi tiếp cận ở phạm vi toàn cầu thay vì ở một số khu vực nhất định, trên tất cả các nền tảng (thông qua hình thức bản địa hóa và port trên nền tảng khác…).
Các chuyên gia quản lý Franchise trò chơi sẽ là người đưa ra quyết định nên làm gì tiếp theo, làm sao để thu hút được người chơi trực tiếp, người hâm mộ và cả các bên đầu tư hiện tại và tương lai. Các quyết định đầu tư cũng phần nào quyết định số phận và tuổi thọ của một series game.
Quản lý nhượng quyền game ngày nay vì vậy phức tạp hơn nhiều. Nhưng xu hướng còn đang ngày càng mở rộng với nhiều phần việc sâu sắc hơn. Lưu giữ danh tính, ký ức, trải nghiệm của người chơi để đảm bảo mọi thứ sẽ di chuyển liền mạch tiếp nối trong phần chơi mới ở mọi nền tảng, mọi lúc mọi nơi.
Kết nối người dùng, người hâm mộ và nhân vật game cùng nhà đầu tư, đồng bộ hóa trái nghiệm chơi game toàn cầu, tạo nên khả năng cá nhân hóa cao nhất cho mỗi người chơi, đồng thời cho phép tự do tùy chỉnh hết mức trong từng tính năng trong ngoài game… Kỹ thuật quản lý Franchise của trò chơi đã lên tới cấp độ đẳng cấp như vậy và còn nhiều hình thức mới mẻ hơn trong tương lai.
Đây cũng là một động lực cực lớn giúp thế giới trò chơi ngày càng lan tỏa và trở thành nền văn hóa có sức hút mạnh mẽ với tất cả mọi người.
Về vấn đề Thu hút nhân tài trong ngành công nghiệp game, có vài điểm cần nói như sau.
Nhân tài luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi ngành nghề, kể cả ngành video game. Từ rất lâu rồi, từ ngày đầu, các giám đốc, quản lý lớn của bất kỳ công ty video game nào đều nhận thức rất rõ tầm quan trọng của các nhân tài trong đội ngũ.
Đi từ chỗ kém trân trọng và giấu biệt danh tính để tránh bị săn đầu người như đã từng xảy ra ở Nhật thời gian đầu của kỷ nguyên game, cho đến hôm nay, chưa bao giờ các nhân tài chơi game lại được săn lùng, trọng dụng và tôn trọng tới vậy.
Nhân tài là mối quan tâm hàng đầu. Hầu hết các giám đốc điều hành công ty trò chơi điện tử mà chúng tôi nói chuyện đều coi tài năng là ưu tiên số 1 của họ. Nguồn cung nhân tài hàng đầu không theo kịp nhu cầu và sự mất cân bằng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các công ty trò chơi tăng cường xây dựng và duy trì thế giới ảo rộng lớn. Phân tích của Bain cho thấy các nhà phát triển trò chơi điện tử đang rời bỏ công việc tại các công ty công nghệ lớn, thường được trả cao hơn khoảng 20% (xem Hình 4).
Trả lương cao hơn, phần thưởng tốt hơn, chế độ trọn vẹn và có cả một kế hoạch chiến lược phát triển từng tài năng riêng trong độ ngũ. Một số công ty game nhỏ vừa còn xem người tài của mình là một đối tác chiến lược quan trọng, cùng lớn lên và trưởng thành đồng hành với quy mô phát triển của công ty trong tương lai.
Có thể thấy sự gắn kết của công ty game với nhân lực có tài năng và tiềm năng của mình được đòi hỏi ngày càng bền chặt hơn. Đặc biệt với các nhân sự cấp cao có thực lực. Không còn ở thế bị động được đưa việc, họ đôi khi chính là người đề xuất ý tưởng và tự hướng công việc theo ý mình, và khiến nó thành công.
Hiểu được sự khác biệt và tạo cơ hội để họ được thể hiện mình, tìm cách đáp ứng những nhu cầu riêng của từng cá nhân có tài bây giờ còn quan trọng hơn nhiều so với các động thái giữ chân nhân sự truyền thống.
LỜI KẾT
Cạnh tranh trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang ngày càng ráo riết, gay gắt hơn. Ông lớn có đất của ông lớn, người nhỏ có đất của người nhỏ. Tuy nhiên xu hướng chung vẫn là duy nhất: doanh thu tăng vọt trong ít nhất 5 năm tới, tiến bộ công nghệ mở rộng thế giới trò chơi, nhiều phương thức làm giàu nhanh chóng hơn từ trò chơi, nhiều cách thức quản lý franchise trò chơi đa dạng hơn, và cuối cùng là xu hướng tự do hóa, cá nhân hóa với các nhân tài trong lĩnh vực. Sẽ còn rất nhiều điều hay ho đang chờ chúng ta trong tương lai. Cùng đón chào năm 2023, đón chào một tương lai rực rỡ đang tiếp nối của video game.