Vì sao tôi chọn chơi game thay vì ngồi coi phim?

Chơi game hay coi phim đều là thú vui giải trí thuộc hàng top vui vẻ của nhiều người. Một người có thể có nhiều cách giải trí cùng lúc. Không hẳn cách nào tốt hơn cách nào, cũng là tùy hết vào sở thích cá nhân thôi.

Giờ bạn hãy nghe một gamer tâm tình, vì sao bạn ấy chọn chơi game thay vì ngồi coi phim.  Biết đâu tìm thấy sự đồng cảm, để thấy là “À thì ra cũng có nhiều người nghĩ giống mình”. Hoặc để hiểu hơn ông bạn thân, hay anh bạn cùng nhà vì sao cứ rảnh ra là ngồi chơi game mà không coi TV luyện phim bộ giống mình.
 

Vì sao mình dành nhiều thời gian hơn để chơi game?


1/ Chơi game được là nhân vật, đôi khi còn được “bẻ lái” cốt truyện

So về lịch sử, điện ảnh với nhiều hình thức khác nhau đã có mặt trước trò chơi điện tử rất lâu. Phim là về nội dung, về cốt truyện và là các diễn viên. Phim luôn có kịch bản và đã được quay trước, sắp xếp trước bởi một đội ngũ. 

Thành phẩm cuối cùng là các tác phẩm điện ảnh bạn đang xem hóa ra chỉ một chiều: cốt truyện và nội dung phim được truyền tải qua kịch bản, lời thoại, bối cảnh và diễn xuất, đến bạn. Không có chiều ngược lại. Xem phim là bạn đang “watch”, không phải đang “play”. 

Chơi game thì khác. Có rất nhiều thể loại game khác nhau, càng ngày càng đa dạng hơn. Nhưng tựu trung bạn vẫn sẽ là một người/ thứ/ vật/ hiện tượng nào đó. Bắt đầu hóa thân thật sự và tự tay mình điều khiển để chinh phục những thử thách trên đường. Trong quá trình đó, bạn có thể lựa chọn đường đi, cách đánh nhau, đội hình riêng (game nhập vai chiến thuật, hành động…). 
 

Chơi game được là nhân vật, đôi khi còn được “bẻ lái” cốt truyện


Đôi khi còn có thể chọn bỏ qua một đối thủ để rồi sau đó quay lại khi đã đủ lực, chọn ăn đồ hoặc lướt qua (như game roguelike, metroidvania…). Hoặc thậm chí có thể chọn cách nhân vật đưa ra lời đáp trả, quyết định, phán đoán, kết luận (như trong các game visual novel). Trong quá trình đó, bạn được là chính nhân vật, sống cuộc đời của nhân vật và hành xử theo bản năng của chính mình

Trong phim bạn đâu có quyền lựa chọn. Bạn xem phim với vai trò là một người quan sát, một người “được kể lại”. Còn chơi game, bạn có thể là chính nhân vật, dù game đang ở góc nhìn nào.

Xem thêm: Tìm hiểu về Góc nhìn trong game

2/ Phim thì đâu có gameplay

Có những game chẳng hề có cốt truyện. Nhào vào là chơi, là đụng độ gameplay thôi. Với những ai mê thể loại này thì hẳn một bộ phim hấp dẫn tới đâu cũng không thể địch được với con game. Vì phim chỉ có diễn viên, bối cảnh và câu chuyện. 
 

Phim thì đâu có gameplay, game thì gameplay đôi khi chính là linh hồn


Còn game mà bạn đang chơi kia, toàn bộ giá trị của nó nằm ở gameplay, nằm ở lối chơi và từng khoảnh khắc khám phá, phiêu lưu và phương thức chiến đấu kia.

Vì lẽ đó mà ta có gameplay chứ không hề có khái niệm gọi là “movieplay” or “filmplay”. Và gameplay đôi khi chính là chất keo kết dính kỳ diệu giữa người chơi và một tựa game.

3/ Trải nghiệm dài lâu và niềm hạnh phúc mỗi ngày chắc chỉ có game mang lại được

Nói tới đây mọt phim phản bác ngay “Coi phim bộ mỗi ngày cũng có niềm hạnh phúc vậy bác”. Ừ, đúng là vậy. Nhưng cái hạnh phúc mình muốn nói ở đây là hạnh phúc khác nhau mỗi ngày. Bạn xem một season phim 12-24 tập, chắc tối đa chừng 1 tuần nếu xem liên tục. Và trong mỗi ngày 1 hoặc vài episodes đó cảm giác vui vẻ háo hức mong đợi đó nó tương tự nhau, cho từng bộ phim. 
 

Trải nghiệm dài lâu và niềm hạnh phúc mỗi ngày chắc chỉ có game mang lại được

Trong khi đó, chơi game, ngay cả khi đang theo đuổi một tựa game duy nhất, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ chơi thì niềm hạnh phúc mà nó mang lại cũng đều rất khác nhau. Hôm nay bạn chơi cảnh A thì nó là kiểu ấm cúng nhẹ nhàng. Sang tới cảnh B thì lại theo dấu một bọn ác ôn nào đó rất ly kỳ. Trải nghiệm lâu dài  và niềm hạnh phúc mỗi ngày đều rất khác.
 

4/ Chơi game online mỗi lần chơi mang lại một trải nghiệm mới

Còn coi phim, dù bạn có may mắn tìm được bộ phim tâm đắc, mỗi năm coi một lần, tuổi lớn hơn xem lại phim có cảm nhận khác đi. Thì cảm nhận đó vốn cũng chẳng khác nhiều lắm so với lần đầu. Nó mang ý nghĩa tự chiêm nghiệm do tuổi đời nhiều thêm.
 

Chơi game online mỗi lần chơi mang lại một trải nghiệm mới


Với game online thì khác, nếu bạn tìm được một game online đúng sở thích. Việc gầy team cùng với những người bạn chí cốt hoặc chẳng biết gì về nhau, mỗi người một kiểu chơi, một cá tính, gộp lại tạo nên một đội hình riêng biệt. Sự riêng biệt đó nó biến thiên rất lớn, trong mỗi lần chơi. 

Chẳng hạn bạn gặp phải một team toàn mấy anh “dũng cảm thì ít mà hay gáy thì nhiều” nó sẽ khác quắc với định mệnh được chung team với một loạt tay chơi cộm cán, nghiêm túc tới từng viên đạn.

5/ Trong một khoảng thời gian đủ dài, đủ lâu, chơi game phát triển kỹ năng đầu óc hơn trong khi xem phim dễ làm bạn đờ đẫn, mông lung

Nếu bạn thích cả xem phim và chơi game, có bao giờ bạn thử so sánh tâm trạng, cảm giác của mình sau khi chơi game nửa ngày so với coi phim nửa ngày liên tục không?
 

Chơi game phát triển kỹ năng đầu óc hơn


Với một tựa game hay, chơi chưa xong hay đã phá đảo đều khiến đầu óc bạn sục sôi, không ngừng suy nghĩ, tận trong giấc ngủ để tìm kiếm con đường, cách đi, cách lập chiến thuật mới, cảm thấy phấn khích với món đồ loot được quá hay ho… Quá trình đó kích thích trí não phát triển, gồm cả sáng tạo, tư duy và logic.

Còn xem phim, vì thiếu sự tương tác hai chiều, hầu như động tác xem là thụ động, não bộ không cần căng ra để suy nghĩ nhiều bằng (dù cho phim có ngàn plot twist), nên xem lâu dễ rơi vào trạng thái đờ đẫn, mụ người.

Rõ ràng về mặt trí óc, chơi game đem lại những phản hồi tích cực hơn.

6/ Xem phim dễ làm ảnh hưởng tâm trạng, chơi game thì hiếm hơn

Nhiều người đã từng gào lên “trái tim tan vỡ” “hay “tâm trạng ức chế cực” khi một bộ phim dày dày công cày cuốc kết thúc lãng xẹt, hoặc SE hay OE. Cảm giác ấm ức đó có thể theo bạn một thời gian dài, tới mức độ không muốn nghe bất kỳ ai nhắc đến tên phim ấy nữa.
 

Xem phim dễ làm ảnh hưởng tâm trạng, chơi game thì hiếm hơn


Game thì khác. Vẫn đâu đó những tựa game mà khi kết thúc chỉ còn lại nỗi đau buồn. Như Limbo của Playdead, Spec Ops: The Line có tới 4 endings mà cái nào cũng có thể khiến bạn nước mắt ướt mi, The Legend Of Zelda: The Ocarina Of Time có kết thúc không phải ai cũng cảm thấy an lòng khi đột nhiên nhận ra Link bị mắc kẹt trong một vòng lặp đã được định trước với các sự kiện diễn ra theo đúng trình tự, và dùng cả cuộc đời của mình để đi theo tiêu diệt Ganon. 

Nhưng khi chơi game, luôn có một cảm giác “vớt vát”. À thì dù có buồn thật, nhưng ta cũng đã chiến đấu hết mình, cũng đã xử được con trùm cuối và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. À ta cũng đã khám phá hết mọi con đường bí ẩn trong game, mọi thứ giờ tỏ như ban ngày.

Cảm giác “vớt vát” đã cứu rỗi tâm hồn của các gamer. 

Còn mọt phim? Phim kết nghĩa là hết, không còn gì vãn hồi.

7/ Quy mô và sự tiếp nối, phim dù có dài đến đâu cũng không thể “truyền kỳ bền vững” như game

Một bộ phim khủng, hội tụ đầy đủ các yếu tố: đạo diễn, kịch bản, cốt truyện, kỹ xảo, diễn viên, thời điểm ra mắt… cũng chỉ kéo dài theo số Season tính trên đầu ngón tay. Bạn đã thấy Games of Thrones dài hay Walking Dead dài cỡ nào rồi cũng phải đến hồi kết.
 

phim dù có dài đến đâu cũng không thể “truyền kỳ bền vững” như game


Còn game? Có lẽ khi nào còn Nintendo thì sẽ còn Mario, còn Zelda… Có những tựa game sống mãi với thời gian dù phần cứng chơi game thay đổi tới đâu đi nữa. Nhìn mà xem Pokemon đã qua mấy đời máy rồi?

8/ Game có sandbox và còn có thể mở rộng ra rất nhiều hướng. Phim thì không

Ai đó nói với tôi “Bản thân mỗi bộ phim đã là một phần của sandbox”. Vì mọi thứ trong đó được dựng nên từ suy nghĩ, cảm quan và hệ tư tưởng của đạo diễn cùng người làm kịch bản. Nhưng tiếc là nó chỉ có một chiều duy nhất. Có những bộ phim open ending đem lại nhiều suy nghĩ cởi mở nhưng nó cũng chỉ bắt đầu từ nền tảng cốt truyện đã định ra từ đầu.
 

Game có sandbox và còn có thể mở rộng ra rất nhiều hướng. Phim thì không


Game sandbox thì khác. Bạn có thể tự do xây dựng thành phố, công trình của riêng mình, có thể tự do tạo nên những lối chơi khác nhau, thậm chí biến mình thành một nhà phát triển đúng hiệu. Điển hình Minecraft và Mario Maker. Bạn biến thành một đứa trẻ, hồn nhiên xây dựng và sáng tạo. 

9/ Cuối cùng, bạn có thể xem phim bao nhiêu lần? Còn game, đã hay, đã “tủ” rồi thì có thể chơi mỗi ngày trong rất nhiều năm

Tôi có anh bạn mê Hearthstone. Và từ khi phát hiện được đam mê này, mỗi ngày anh đều dành ra ít nhất nửa tiếng để chơi.
 

game, đã hay, đã “tủ” rồi thì có thể chơi mỗi ngày trong rất nhiều năm


Vài năm bạn mới tìm thấy một bộ phim thật hay cho mình. Nhưng bạn có thể xem đi xem lại nó mỗi ngày trong nhiều năm? Chuyện này hầu như là không thể. 

Như tôi, đã xác định từ lâu 2 phim Inception và Insterstella là “phim của cuộc đời” mình, nhưng để xem lại thì mỗi năm tôi chỉ làm được một lần. Và lần nào tâm trạng cũng thấy rất nặng nề vì nhiều được gợi nhớ lại nhiều tầng cảm xúc trong game. Tôi phải chuẩn bị tâm trạng dữ lắm trước khi xem.

Tôi có nhiều hobby để làm thời gian riêng tư. Nhưng thú vui chiếm nhiều thời gian nhất vẫn là chơi game, bạn thì sao?


Có thể bạn quan tâm