Shigeru Miyamoto - 18 bí mật hài hước về quái kiệt của Nintendo
Khi Shigeru Miyamoto quyết định trở thành nhà thiết kế game cho Nintendo vào năm 1976, ngay cả chính ông cũng không ngờ rằng sau này ông sẽ trở thành người mà tạp chí TIME sẽ vinh danh "Steven Spielberg của ngành công nghiệp trò chơi điện tử".
Đó là thời điểm vàng khi ông chuyển sang mảng phát triển nội dung game, các sáng tạo của Miyamoto (Super Mario Bros., The Legend of Zelda, Donkey Kong) như một bình Revive đã giúp hồi sinh ngành công nghiệp game và khiến Nintendo trở thành gã khổng lồ cho tới tận thời đểm hiện nay. nShop đang nắm trong tay một số điều hài hước muốn tiết lộ ngay cho các bạn biết về vị "bố già" đã khiến anh chàng Mario phải nhảy cẫng lên này.
Xem thêm: NINTENDO LÀ GÌ? BÍ ẨN PHÍA SAU HÃNG GAME LỚN NHẤT NHẬT BẢN!
1. ÔNG CHỈ MUỐN VẼ TRUYỆN TRANH CHỨ KHÔNG PHẢI LÀM GAME
Sinh ra ở thị trấn Sonobe ở Nhật Bản vào năm 1952, Miyamoto cũng như mọi đứa trẻ Nhật thời bấy giờ, mê mệt mấy quyển truyện tranh và khao khát trở thành một họa sĩ vẽ minh họa khi về già. Thật ra ông thích những đường nét trong các truyện tranh comic của Mỹ hơn là manga của Nhật Bản.
Tôi đã từ bỏ điều đó bởi vì có rất nhiều họa sĩ truyện tranh khác có tay nghề cao đến mức tôi cảm thấy mình không thể cạnh tranh với họ
Cuối cùng anh chàng Miyamoto đã phải rẽ hướng sang học thiết kế công nghiệp ở trường đại học. Khi Miyamoto phát hiện ra cái gọi là "trò chơi điện tử", anh chàng cảm thấy như được "khai sáng", đây đúng là thể loại kết hợp mọi ước mơ từ nhỏ của anh.
2. NINTENDO TUYỂN MIYAMOTO CHẲNG QUA LÀ VÌ CHA CỦA ÔNG CÓ QUEN BIẾT SẾP TỔNG NINTENDO
Không lâu sau khi tốt nghiệp trường Kanawaza College of Municipal Industrial Arts (Cao đẳng Nghệ thuật Công nghiệp Thành phố Kanawaza), Miyamoto đã có một cuộc phỏng vấn đi xin việc "cho có" tại Nintendo vào năm 1976, đơn giản là vì cha ông có quen biết sếp tổng thời bấy giờ của công ty là Hiroshi Yamauchi, thông qua một người bạn chung, chứ lúc đó Nintendo không thiếu họa sĩ.
Miyamoto cho Yamauchi xem một số đồ chơi bằng gỗ mà ông tự làm bằng hai chiếc móc treo quần áo có hình con quạ và con voi. Sau khi được giao một công việc tập sự là một nhân viên họa sĩ, Miyamoto bắt đầu thiết kế hình ảnh cho các game arcade (game thùng) như Sheriff và Space Fever.
3. DONKEY KONG RA ĐỜI NHỜ VIỆC "LÍNH MỚI" MIYAMOTO BỊ ÉP GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ BÁN Ế MỘT ĐỐNG GAME THÙNG
Mãi đến năm 27 tuổi Miyamoto mới có được một bước đột phá lớn, sau khi Nintendo đánh giá sai mức độ phổ biến tiềm năng của một game bắn súng có tên là Radar Scope. Tựa game này không thành công ở Bắc Mỹ và công ty gặp rắc rối to với việc hơn hai nghìn máy game thùng chất đống trong kho cần được cải tạo hay tái chế thành một cái gì đó mới mẻ hơn. Anh nhân viên xui xẻo Miyamoto đột nhiên bị giao nhiệm vụ khủng này.
Vào thời điểm đó Nintendo vừa thất bại trong việc bảo vệ bản quyền của anh chàng thủy thủ thích ăn rau chân vịt Popeye. Miyamoto liền nhờ đó tưởng tượng ra một câu chuyện về Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái vật), một anh hùng cao quý giải cứu một cô công chúa khỏi nanh vuốt của một con quái vật to lớn suốt ngày gầm gừ.
Ra mắt vào năm 1981, Donkey Kong đã trở thành một thành công đáng kinh ngạc, thu về 200 triệu đô la chỉ trong một quý; Nintendo nhanh chóng đưa Miyamoto lên phụ trách mảng phát triển game.
4. ÔNG MUỐN MARIO GÓP MẶT TRONG MỌI TRÒ CHƠI.
Lấy một gợi ý từ Alfred Hitchcock, vị đạo diễn lừng danh này đã tự xuất hiện trong hầu hết các bộ phim do chính ông đạo diễn, Miyamoto muốn Mario (lúc này còn được gọi là "Mr. Video" và "Jumpman" trước khi Nintendo của Mỹ đặt tên ông theo ông chủ nhà cho họ thuê cái kho) xuất hiện trong mọi game do ông thiết kế.
Dù không phải là do cố ý, Mario dần trở thành một nhân vật chính của Nintendo, xuất hiện như một trọng tài, bác sĩ, thợ sửa ống nước, và nhiều khi tất cả các nhân vật của ông cùng xuất hiện trong một game, đó chính là tiền đề tạo ra Super Smash Bros. lừng danh.
Xem thêm: CÁCH CHƠI SUPER SMASH BROS ULTIMATE NINTENDO SWITCH CƠ BẢN
Tuy nhiên, Miyamoto ban đầu tạo ra Mario là làm nghề thợ mộc, sau đó thấy nghề này không hấp dẫn cho lắm nên Mario "nhảy việc" trở thành thợ sửa ống nước, sau khi game Super Mario Bros. giới thiệu các ống cống dưới dạng một hình thức vận chuyển dưới mặt đất.
5. ZELDA ĐƯỢC TẠO RA NHỜ SỞ THÍCH CHUI HANG ĐỘNG HỒI NHỎ
Bước đột phá tiếp theo của Miyamoto, The Legend of Zelda, đến từ sở thích tò mò của bọn con nít: thám hiểm các địa hình xung quanh nhà khi ông còn là một đứa trẻ, một kết quả đến từ việc nhà không có lấy một chiếc tivi để cậu nhóc chịu ngồi yên một chỗ.
Một lần khi đang thăm thú rưng rú núi đồi, ông phát hiện ra một hang động và khao khát phải khám phá hết nó. Lấy một chiếc đèn lồng, ông tiến sâu hơn vào khe hở, hóa ra nó dẫn đến một hang động khác rồi mới thông ra ngoài. Cảm giác khám phá hết một cái hang sâu có vẻ kỳ bí như vậy khiến ông thích mê và đã tạo ra rất nhiều game chui hang, chui ống cống qua thế giới khác các kiểu.
Xem thêm: HƯỚNG DẪN CÁCH CHƠI THE LEGEND OF ZELDA: BREATH OF THE WILD MASTER MODE
Cái phần hồn của game chính là cảm giác thích thú của một đứa trẻ khi đi vào một cái hang xa lạ một mình, điều này phải được hiện thực hóa trong game. Càng đi vào sâu trong hang, nó sẽ càng cảm nhận được không khí lạnh xung quanh. Nó sẽ khám phá ra là con đường chính sẽ rẽ nhánh sang một bên và quyết định có khám phá tiếp hay là không.
6. ÔNG TỪNG NGHĨ ZELDA SẼ KHÔNG THÀNH CÔNG.
Miyamoto và đội ngũ thiết kế của ông đã làm việc trên cả Super Mario Bros. và The Legend of Zelda cùng lúc, nhưng ông không đặt hy vọng cao vào Zelda cho lắm.
Khi tôi đang phát triển The Legend of Zelda, tôi thấy nó quá đơn giản. Tôi không nghĩ rằng thể loại này sẽ được coi là một thứ gì đó rất chính thống. Tôi thực sự không mong đợi câu trả lời cho việc đem đến một thế giới với kiếm và các phép thuật, thực sự nó không được coi là ưu tiên hàng đầu vào thời điểm đó.
Game "đơn giản" tiếp tục bán được hơn bảy triệu bản trên toàn thế giới.
Xem thêm: ZELDA VÀ NHỮNG TỰA GAME ĐƯỢC ĐƯA VÀO WORLD VIDEO GAME HALL OF FAME
7. ÔNG LUÔN LẤY Ý TƯỞNG TRONG GAME TỪ THẾ GIỚI BÌNH THƯỜNG XUNG QUANH NƠI ÔNG SỐNG
Miyamoto nổi tiếng vì đã tự tưởng tượng ra những thiết kế game vô cùng độc đáo của mình, chỉ từ những thứ rất đỗi bình thường xung quanh cuộc sống.
- Cục tạ Chain Chomp với hàm răng lởm chởm trong Super Mario Bros 3 được mô phỏng theo một con chó nhà hàng xóm từ thời trẩu tre đã từng rượt ông chạy tét khắp khu phố
- Những cảnh dưới nước trong Super Mario 64 là kết quả của mấy trò bơi lội
- Nintendogs, một game chăm sóc thú cưng nổi tiếng trên DSi, được lấy cảm hứng từ sau khi Miyamoto mang về nhà một con chó chăn cừu giống Shetland, ông đặt tên cho nó là Pikku.
Chó chăn cừu Shetland trông đẹp giai như thế này này
8. WII FIT XUẤT PHÁT TỪ NỖI LO LẮNG VỀ SỨC KHỎE CỦA MIYAMOTO
Khi bước sang tuổi 40, Miyamoto quyết định từ bỏ thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh để có được vóc dáng coi được hơn. Mỗi ngày, ông tự leo lên cân và viết kết quả lên một biểu đồ gắn trên tường nhà tắm của mình.
Ở nhà tập thể dục với Wii fit và Wii balance thì hết ý
Xem thêm: TOP 5 GAME TẬP THỂ DỤC RÈN LUYỆN CƠ THỂ TRÊN NINTENDO SWITCH
Khi gia đình ông bắt đầu để ý đến sự tiến bộ đó, ông đã quyết định rằng nên sáng tác ra một game thể thao có tính cạnh tranh, hướng đến việc tập thể dục nhẹ, sẽ hấp dẫn người chơi hơn. Wii Fit lại "nhẹ nhàng" bán được hơn 22 triệu bản.
9. MIYAMOTO LUÔN KÈ KÈ CUỘN THƯỚC DÂY TRONG NGƯỜI
Miyamoto rất tò mò về các chiều không gian xung quanh mình và rất thích sắp xếp đồ nội thất trong nhà, ngay cả lúc nửa đêm cũng tự nhiên bật dậy để chỉnh đồ. Ông nhìn chằm chằm vào các vật thể xung quanh và cố gắng đoán xem chúng dài bao nhiêu, rộng và cao thế nào, sau đó xác nhận ước tính bằng cách sử dụng cái thước dây mà ông luôn mang theo trong người.
10. MỘT TRÒ CHƠI CỦA MIYAMOTO BỊ CẤM PHÁT HÀNH Ở MỸ
Sau khi kết thúc Mario và Zelda, Miyamoto chuyển sự chú ý sang nhân vật kinh điển khác là Pac-Man và gọi game mới sáng tác này là Devil World. Game tập trung vào một mê cung có một con rồng tên là Tamagon, người chơi đi sâu vào mê cung đó, thu thập thánh giá và kinh thánh để biến thành những viên đạn, nhằm đánh bại quỷ Satan.
Mấy biểu tượng tôn giáo đó thực chất nghe có vẻ hơi quá đối với game thủ trẻ người Mỹ, Nintendo cũng đồng tình với ý kiến đó. Game được phát hành ở Nhật Bản và Châu Âu nhưng không bao giờ đến với "giấc mơ Mỹ".
11. MIYAMOTO XEM ZELDA II LÀ MỘT THẤT BẠI
Khi Kotaku hỏi Miyamoto rằng có bao giờ ông làm ra một trò chơi tệ hại không, nhà thiết kế đã trả lời rằng đó chính là Zelda II: The Adventure of Link, game thực sự không đúng với mong đợi của ông. Nhưng có lẽ cái bóng của phần 1 đã đủ bao che cho phần 2 không được hay cho lắm này nên game cũng đã bán được sơ sơ hơn 4 triệu bản
Chúng tôi đáng lẽ có thể làm được nhiều thứ hơn với Link. Có lẽ thật tuyệt khi có kẻ thù lớn hơn trong trò chơi, nhưng phần cứng NES không có khả năng làm điều đó.
12. MIYAMOTO LÀ FAN CỨNG CỦA HUYỀN THOẠI GEORGE LUCAS.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một huyền thoại như ông được rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng Miyamoto coi người sáng tạo ra loạt Star Wars, ngài George Lucas, là thần tượng duy nhất của mình.
Giống như thần tượng Lucas, cuối cùng ông đã tự phát triển bản thân thành một nhà sản xuất game, giám sát nhiều dự án cùng một lúc, tập trung vào các mảng bao quát như thiết kế và viết kịch bản, trước khi giao trách nhiệm cho nhân viên của mình. Người ta ước tính Miyamoto đã nắm trong tay hơn 100 tựa game của Nintendo.
13. ÔNG THÍCH NHẠC COUNTRY VÀ BLUEGRASS
Trong số các sở thích của Miyamoto, có cả nghe nhạc bluegrass, đây là một loại nhạc rặt đồng quê Mỹ. Ông biết chơi đàn guitar, trống banjo và đàn mandolin. Nhà thiết kế đã từng thành lập một ban nhạc bluegrass ở trường đại học và tin rằng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa cách tập chơi một game và học chơi một nhạc cụ. Ông từng cố học hợp âm F trên guitar để thành thạo một động tác game phức tạp:
Một khi làm được chuyện đó, bạn trở nên muốn đầu tư nhiều hơn vào âm nhạc (hoặc game).
Đồng nghiệp lâu năm Takashi Tezuka và cố chủ tịch Nintendo, Satoru Iwata, từng suy đoán rằng hình ảnh Mario cưỡi Yoshi được sinh ra từ sự đam mê của Miyamoto, về biểu tượng của Miền viễn Tây xưa, cưỡi ngựa.
14. ÔNG LÀ MỘT HIỆP SĨ ĐƯỢC PHONG TƯỚC ĐÀNG HOÀNG
Vào năm 2006, Miyamoto trở thành một trong những nhà thiết kế trò chơi đầu tiên được tấn phong Hiệp sĩ trong Order of Arts and Letters của nước Pháp. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Renard Donnedieu de Vabre đã thực hiện buổi lễ; thật đáng buồn, ông không được cho phép gắn thêm chữ "Sir" vào tên của mình.
15. MIYAMOTO RẤT DỞ TIẾNG ANH NHƯNG KHÔNG NGHĨ MÌNH LÀ TUÝP NGƯỜI NHẬT BẢN 100%
Khi được Time for Kids phỏng vấn vào năm 2013 về Văn hóa Nhật Bản đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp game như thế nào, Miyamoto đã có một câu trả lời đáng ngạc nhiên.
Tôi không nghĩ tôi là người Nhật Bản hoàn toàn. Ngay từ khi còn bé, tôi luôn thích văn hóa Mỹ và nước Mỹ. Điều thú vị là trụ sở của Nintendo được đặt tại Kyoto. Mọi người thường tập trung vào thủ đô Tokyo của Nhật Bản nhưng người dân Kyoto không tập trung nhiều vào Tokyo. Người dân Kyoto yêu thành phố của họ và có phần cá tính hơn. Đó có lẽ là lý do tại sao các trò chơi chúng tôi tạo ra có sức hấp dẫn phổ biến trên toàn thế giới hơn.
Mặc dù ông biết một chút tiếng Anh nhưng không thông thạo và chỉ thích nói tiếng Nhật khi được phỏng vấn
16. ÔNG KHÔNG BAO GIỜ XEM PHIM THE WIZARD
Bộ phim năm 1990 có Fred Savage trong vai anh trai của một thần đồng trò chơi điện tử, cậu bé đã lén lút xem Super Mario Bros 3, nhưng Miyamoto nói với Popular Mechanicalics rằng ông chưa bao giờ xem phim đó cả.
Tuy nhiên, ông đã dành chút thời gian coi Super Mario Bros., phiên bản chuyển thể người đóng đáng thất vọng vào năm 1993. Ông gọi đó là một dự án rất thú vị mà <các nhà làm phim> đã nỗ lực rất nhiều.
XEM THÊM: SUPER MARIO BROS. 3 - NẤM ĐUÔI & NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ TỰA GAME NÀY
THE WIZARD là một bộ phim dở ẹc
17. NINTENDO KHÔNG CHO PHÉP ÔNG ĐẠP XE ĐI LÀM
Khi vai trò của Miyamoto tại Nintendo ngày càng phát triển và trở nên quan trọng đối với toàn thể công ty, giống như mạng sống của cả Nintendo phụ thuộc vào ông vậy. Công ty bắt đầu đưa ra các phương án kỳ cục để khư khư bảo vệ ông.
Để cống hiến hết mình cho Nintendo, ông và vợ mua một căn nhà nhỏ gần công ty để tiện đi làm. Bình thường ông đi bộ hoặc đi xe đạp, nhưng cuối cùng cả công ty khăng khăng bắt ông phải đi xe hơi để đề phòng khả năng ông bị một người lái xe đụng phải.
Gunpei Yokoi, một tài năng khác của Nintendo - người đặt nền tàng cho các máy chơi game handheld màn hình gập vỏ sò, cũng qua đời vì bị xe hơi đụng phải khi bước xuống xem xét một vụ va quẹt trước đó.
XEM THÊM: GAME & WATCH CỦA GUNPEI YOKOI - BÌNH MINH CỦA THỜI ĐẠI HANDHELD
Tay đua kiệt xuất Miyamoto bị nhân viên chụp lén khi đang trên đường đi làm, phóng thế này thì bảo sao Nintendo không sợ
18. NHỮNG THÔNG TIN GÂY SỐC KHÁC VỀ QUÁI KIỆT MIYAMOTO
- Miyamoto là người thuận cả 2 tay. Trong những lần phát thảo Mario và Link, ông thường dùng tay trái. Đôi lúc dùng cả 2 tay để vẽ. Nhân vật Link, Bowser Jr. và Luigi đều thuận tay trái giống ông.
- Ông thích những gì nhỏ gọn nên các hệ máy cầm tay handheld là thứ ông thường chơi nhất với gia đình mình.
- Năm 2002 Shigeru Miyamoto từng bị đồn là sẽ chết vì bệnh tim khi vào bệnh viện khám, khiến cho nhiều người nhiều lo lắng. Kết quả là ông vẫn sống khỏe re.
- Trong Pokémon bản đầu tiên, nhân vật chính Ash Ketchum có tên tiếng nhật là Satoshi, ứng với Satoshi Tajiri, người tạo ra loạt, còn đối thủ của anh chàng cháu trai Giáo sư Oak, Gary Oak, tên tiếng nhật của cậu tóc cam này là Shigeru Okido, ứng với Shigeru Miyamoto, thầy của Satoshi Tajiri.
- Miyamoto thường không ký chữ ký, vì lo ngại rằng mình sẽ bị để ý quá mức. Ông cũng không xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản, để ẩn danh. Nhiều khách du lịch nước ngoài nhận ra ông khi đi ngoài đường hơn là người Nhật.
- Shigeru Miyamoto cùng vợ ông là Yasuko Miyamoto (cũng làm trong công ty Nintendo, phòng hành chính tổng hợp) có 2 cô con gái, một người làm ngành quảng cáo và một người làm nhà động vật học. Bà Yasuko không thích video game cho lắm, trừ trò Brain Age.
- Bìa game Super Mario Bros. trên máy Famicom là do chính tay ông tự vẽ