Có kiểu người rất lạ, chơi game chỉ để hoài niệm

Mỗi người chơi game theo nhiều cách và nhiều mục đích khác nhau. Thường là để giải trí, cạnh tranh, để review game, hay để thoát khỏi hiện thực tàn nhẫn cuộc sống. Nhưng bạn biết không, có một kiểu người rất lạ, họ chơi game chỉ để hoài niệm.

Xem thêm: Hiến kế 10 cách để chơi game vui vẻ không quạu

Vì sao game gắn liền với kỷ niệm?

Mình có ông anh đời đầu 8X mỗi lần kể lại cỗ máy chơi game Nintendo đầu tiên được bố tặng khi tốt nghiệp cấp 1 là ổng lại rưng rưng. Ngồi nói chuyện con máy chỉ là phụ, những tựa game chơi mòn mỏi quên trời trăng ngày đêm thời đó mới là chính. Ăn nấm, ăn chuối, Donkey Kong, Xếp hình, Contra, Ninja cứu mẹ… Kỳ lạ là sao bao nhiêu năm giờ cũng đã ngót nghét 40, mà ổng vẫn nhớ như in từng trò xưa cũ đó.
 

Vì sao game gắn liền với kỷ niệm?


Mỗi trò chơi đều gắn với một cảm xúc, có khi cảm xúc đó nó chẳng liên quan gì đến cái đang chơi cả. Như chơi Mario ăn nấm thì ổng nhớ hoài thằng em thua 3 tuổi mà khôn đáo để lúc nào cũng giành chơi Mario, bắt ổng ngược lại phải chơi Luigi. Như chơi Contra thì suốt ngày mẹ đi ngang nhìn thấy cứ làu bàu “suốt ngày bắn súng”, Tetris xếp hình thì luyện cho cố sát chỉ để lấy le với đứa con gái đang thích thầm ở lớp kế bên vì hóa ra nàng cũng thích chơi trò này ở nhà… 

Ngày xưa ấy mà, thời cơm áo gạo tiền đôi khi vẫn còn là gánh nặng với nhiều gia đình, thú vui giải trí, đồ chơi đồ bày vẽ nào đã nhiều như bây giờ. Con nít (và cả người lớn nữa) hầu như không có nhiều lựa chọn. 

Nhưng thế hệ ấy, vào thời đó, họ cũng đã sống một tuổi thơ căng tràn như chúng ta hôm nay, với những trò chơi dân gian có vốn đầu tư rẻ bèo. Ai sang hơn thì có hẳn một chiếc máy chơi game cầm tay, rồi game thùng trong mấy tụ điểm cho thuê, rồi máy chơi game gia đình. Phần nhiều thời gian chúng ta làm gì có net để đu đưa tán tỉnh sống ảo, thế là gần như chỉ dành cho các thú vui điển hình xưa cũ hoặc đắm chìm trong các tựa game đời đầu này.
 

họ cũng đã sống một tuổi thơ căng tràn như chúng ta hôm nay


Và vì là đầu tiên, vì thật sự chuyên tâm chú ý, không có bất kỳ lựa chọn xao nhãng nào khác nên họ đã nhớ về chúng rất lâu, thật lâu đến mãi sau này.

Một tựa game nhỏ xíu thôi cũng có thể khiến một anh chàng 8X trằn trọc đêm khuya, có thể khiến một con nhóc tì mơ mộng cả ngày dài. Chơi game giữa không gian sinh hoạt của gia đình hoặc trong phòng riêng thời đó đều đáng nhớ vì nó gắn liền với những hoa mộng đầu tiên của tuổi trẻ. Hoa mộng đó, như mối tình đầu, sau này ai cũng đều nhớ mãi khó quên.

Ngay sau máy chơi game gia đình là trào lưu game online chiến thuật chiến đấu các thứ tại quán net. Ai có trải qua thời kỳ chinh chiến này thì hiểu. Cái nóng hầm hập (dù có quạt, có cả máy lạnh cơ), tiếng bấm phím rộn ràng vang lên khô ráp từ mọi góc phòng, những gương mặt căng cơ căng thẳng của mấy chục đứa choai choai trạc tuổi nhau đang thả hồn vào chiến trường. Đã từng trải qua làm sao bạn có thể quên được cảm giác hừng hực khí thế khi đó.
 

Một tựa game nhỏ xíu thôi cũng có thể khiến một anh chàng 8X trằn trọc đêm khuya


Game xưa gắn liền với kỷ niệm ngoài các lý do trên, còn có thể là vì chúng gắn với tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ thường sôi nổi, bốc đồng, dẫu vậy khó quên. Người ta đã chẳng bảo YOLO - You Only Live Once đó sao. Tuổi trẻ, trưởng thành, già đi ai cũng chỉ trải qua một lần trong đời, trải nghiệm mỗi thời kỳ đều là duy nhất và nhớ mãi, nhất là Tuổi trẻ - thanh xuân, năm tháng mà ai cũng đau đau nhớ về khi đã có tuổi.

Bạn đã từng chơi game chỉ để hoài niệm?

Tựa game mang lại hoài niệm không phải lúc nào cũng là game xưa, game thùng arcade, mà có thể là bất kỳ trò chơi nào. Vì đâu chỉ có 8X, ta có 9X, 20X được chia thành nhiều generation khác nhau. Mỗi thế hệ đều có tuổi thơ của mình đâu đó ở những năm tháng khác nhau. Có người tuổi thơ là những năm 70, người khác lại là năm tháng cuối thập niên 80, rồi 90… Tất cả đều rồi sẽ lớn, sẽ bước qua tuổi trưởng thành. 
 

Bạn đã từng chơi game chỉ để hoài niệm?


Cho nên tựa game gắn với hoài niệm tuổi trẻ, tuổi thơ của mỗi người có thể nằm đâu đó rải rác ở các thời gian khác nhau. Với anh bạn kia của tuổi có thể là game platformer, arcade retro cổ điển, nhưng với nhỏ em ồn ào sôi nổi đang ngồi cạnh tôi lúc này có thể là Kirby, Super Smash Bros… chẳng sao cả, quan trọng là ai cũng có cho mình những tựa game để nhớ, để thương.

Hiện tại chúng ta đang có nhiều, rất nhiều trò chơi để thưởng thức với nhiều mục tiêu khác nhau. Dù chơi game theo phong cách nào, để lấy trải nghiệm, để giải stress hay chỉ để vui, xen lẫn trong những giờ phút đó ắt hẳn có lúc bạn bồi hồi nhớ lại một ký ức đã qua.

Một cái tên quen quen cất lên khiến bạn nhớ về một trò hay ho đã từng chơi, một đoạn anime thú vị trên TV gợi cho bạn nhớ về phong cách vẽ hình bay bổng của con game chơi cách đây nhiều năm… Có rất nhiều lý do khiến bạn nhớ, hay thậm chí là khắc khoải về một tựa game nào đó. 
 

Một cái tên quen quen cất lên khiến bạn nhớ về một trò hay ho đã từng chơi


Như một đứa bạn của mình có thói quen khá dị: mỗi lần chia tay bồ nó lại chơi đúng một trò chơi duy nhất, trong cả tuần liền (Cuphead các bạn ạ). Hỏi ra thì nó bảo lần đầu tiên chia tay tình đầu chơi trúng con game này, nó thư thả dã man, thấy đúng đời như gánh xiếc hài. Vậy là từ sau lần đầu tiên đó, cứ mỗi dạo chia tay bồ nó lại mở Cuphead ra chơi. Đó không còn đơn thuần là kỷ niệm hay hoài niệm, mà đã thành thói quen, một truyền thống.

Bạn đã từng mở lại một trò chơi, chơi chỉ để hoài niệm như thế?

Cảm giác thế nào khi chơi game để hoài niệm?

Cảm giác đó chỉ có thể mô tả là kỳ lạ các bạn ạ. Các trò chơi đặc biệt này vì luôn gắn liền với một ký ức cụ thể, liên quan tới một khoảnh khắc đã trải qua trong đời nên mỗi khi cảm xúc tương tự, khoảnh khắc tương tự đó xảy đến trong hiện tại, sẽ có một thôi thúc mãnh liệt khiến bạn muốn mở lại trò chơi đó. 
 

Cảm giác thế nào khi chơi game để hoài niệm?


Ví dụ bản thân mình. Mình có được thứ cảm giác này với Heroes of Might and Magic III, một trò không phải chơi từ hồi nhỏ mà là trong giai đoạn 2015, 2016, thời điểm quá nhiều thứ xảy đến từ cực vui đến cực buồn. Sau khi chơi hàng trăm giờ mòn đít với chúng thì mình đã quên bẵng, chuyển sang loạt trò chơi khác liên tục mới. 

Thế nhưng bạn biết không, mỗi khi nhìn vào bức ảnh nào đó hao hao giống kiểu của HOMM3 hoặc khi nghe một bài hát có giai điệu tương tự nhạc nền trong game, mắt mình lại sáng lên, trong lòng rạo rực háo hức. Mình lập tức nhớ lại thời kỳ đã dành toàn tâm toàn ý cho con game này, thậm chí nhớ cả luôn vài phân cảnh ấn tượng trong các màn chiến đấu. Mình nhớ lại cả những sự kiện sự cố của thời gian đó. Và thế là như một quán tính, lần tìm game chơi lại.

Rưng rưng, bồi hồi xúc động, vừa chơi vừa nghiền ngẫm thật lâu, không chỉ game mà còn là cái kỷ niệm gắn với con game. Đây chính xác là cảm xúc bạn sẽ có mỗi khi mở game ra chơi để hoài niệm.