Nhà sản xuất game kinh dị, họ thường bị ám ảnh bởi những mô tuýp nào?

Nói tới dòng game kinh dị, không thể không nói tới cảm giác nổi da gà, lạnh xương sống, đau đau xoáy vào tâm trí và những hóc sâu tối nhất của con người. 

Một trò kinh dị dù theo cách thức nào, giải đố, phiêu lưu, walk sim, hay chiến đấu, đủ chất, đủ sâu đều sẽ có thể mang lại nhiều trong số các cảm giác kể trên. Có trò dù đã chơi xong vài tháng, bạn vẫn còn cảm thấy hoang mang hoảng sợ mỗi lần chợt nhớ đến nó.

Xem thêm: Top game kinh dị dành cho người mới nhập cuộc

Nhà sản xuất game kinh dị, họ thường bị ám ảnh bởi những mô tuýp nào?


Vì sao một game kinh dị thành công lại có thể trở nên ám ảnh như vậy. Tôi đồ rằng vì những trải nghiệm trong đó đều đi lên từ nỗi sợ có thật trong đời sống mà ai cũng từng nghĩ đến, trải qua hoặc nghe tới ít nhiều. Ta bỗng thấy đồng cảm, dự cảm không lành và dần bị cuốn hút theo tiết tấu của trò chơi khi nào không rõ. Bạn thấy rõ là có khá nhiều trò kinh dị chả cần phải jumpscare điên cuồng hay lạm dụng máu thịt, âm thanh gì hết mà vẫn khiến chúng ta ám ảnh khôn nguôi.
 

Vì sao một game kinh dị thành công lại có thể trở nên ám ảnh như vậy


Theo quan sát hạn hẹp của mình sau một thời gian ngắn chơi thử các trò kinh dị nổi tiếng (đa phần đến từ nhà phát triển Nhật Bản, Đài Loan), mình đã nhận ra mô tuýp xây dựng nỗi sợ từ các trò chơi kinh dị đình đám hiện nay. Trùng hợp thay, đó cũng ứng với nỗi lo lắng, hoang mang thường trực của rất nhiều người trong đời thực. Cùng kể ra đây để chúng ta quan sát thử những trò kinh dị mình đã từng hoặc sắp chơi.

1/ Ám ảnh từ tà giáo, nghi lễ tôn giáo dị thường

Còn gì điên loạn bằng việc thờ cúng một vị thần ác quỷ. Cũng chẳng thể nào khủng khiếp hơn nếu thử tưởng tượng mình trở thành một vật hiến tế để gọi hồn một thế lực bóng tối. Series Fatal Frame hay Siren Blood Cursed và cả Paper Bride (Áo Cưới Giấy) đều khai thác khía cạnh này. 
 

Ám ảnh từ tà giáo, nghi lễ tôn giáo dị thường


Việc gọi lên một thế lực đen tối nào đó hoặc dùng mạng sống người khác để kêu gọi ban phước từ một thứ bản thân cũng chẳng biết là thần hay quỷ đều mang lại những kết cục khủng khiếp. 

Lịch sử đời sống cũng đã ghi lại nhiều tập tục rợn người của các bộ lạc, dân tộc, tín ngưỡng kỳ lạ mà đến ngày nay vẫn chưa ai minh chứng được độ xác thực của nó. Chỉ có duy nhất một điều ai cũng biết chắc nó có thể đã xảy ra: sự tàn khốc của các hủ tục này luôn mang lại nỗi ám ảnh, bất hạnh và sự điên cuồng nơi tất cả những người liên quan, cả kẻ thực thi, người chứng kiến và nạn nhân.

Và dĩ nhiên việc nó trở thành đề tài khai thác trong rất nhiều câu chuyện game kinh dị cũng là điều hết sức dễ hiểu. 

2/ Ám ảnh về sự tồn tại của một người giống mình: khái niệm song sinh

Mình đã từng chơi qua Martha is dead, và sau đó là Fatal Frame 1, 2. Lần nào cũng bị chìm trong nỗi hoảng sợ trong nhiều đêm dài. Bình thường chẳng phải người hay khiếp vía đâu, tới coi phim ma còn chẳng sợ, cơ mà tới 2 game này nói trắng ra là rén thật sự.
 

Ám ảnh về sự tồn tại của một người giống mình: khái niệm song sinh


Martha is dead không thật sự kể về hai chị em song sinh và một trong hai thật ra là nhân vật tưởng tượng, thứ được sinh ra từ bạo hành gia đình và nỗi đau của cô bé nhỏ mang trong mình chứng tâm thần phân liệt cấp độ cùng cực. Tuy nhiên cách game này diễn tả từ đầu tới ⅔ câu chuyện khiến người chơi lầm tưởng đây là 2 chị em song sinh giống nhau như hai giọt nước. Nỗi sợ hãi vì không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra cũng từ đây bắt đầu.

Còn với Fatal Frame, cái nghi thức biến thái chết người dẫn tới oan hồn theo đuổi biết bao người kia vốn chỉ dành cho 2 chị em hoặc hai anh em song sinh, mà còn phải là người này tự tay đoạt mạng người kia thì mới được. Nó càng khiến cho các sự giống nhau trở thành thứ giống như bị nguyền rủa. 

Áo cưới giấy cũng là một tựa game đề cập tới chị em song sinh, nhưng vì ngày sinh tháng đẻ chẳng may trùng khớp một hủ tục lâu đời của dân làng mà một trong hai đứa trẻ đã bị giết (dù giết hụt), từ đó gây ra nhiều ân oán thù hận về sau.
 

Áo cưới giấy cũng là một tựa game đề cập tới chị em song sinh


Trong một số nền văn hóa, việc mang thai và sinh ra hai đứa trẻ giống nhau như đúc (dù là cùng giới tính hoặc không) cũng là điều cấm kỵ. Người ta cho rằng một trong hai đứa trẻ chính là hiện thân của ác quỷ, một đứa sẽ sớm cướp đi sinh mạng của đứa kia. Chính vì vậy nhiều vụ án kinh hoàng trong quá khứ thời xưa đã diễn ra với các cặp song sinh vô tội. Có lẽ đây cũng là lý do Song sinh đã là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều trò chơi kinh dị.

3/ Múa rối, cảm giác bị giật dây, bị điều khiển bởi một thứ cao hơn luôn khiến người ta sợ hãi

Trong nhiều game kinh dị mà mình biết và từng chơi, có không ít các phân đoạn khi nhân vật hồi tưởng hoặc sự thật được hé lộ (hay đơn giản là nhà phát triển sợ người chơi bị loạn nên phải “túm” lại vấn đề”) qua một màn biểu diễn con rối trên sân khấu tưởng tượng. Qua đó một phần ký ức được tái hiện trung thực giúp nhân vật đột nhiên không còn ngộ nhận, một phần bí mật được phơi bày. 
 

Múa rối, cảm giác bị giật dây, bị điều khiển bởi một thứ cao hơn luôn khiến người ta sợ hãi


Kỳ thực những con rối hay các màn múa rối này đúng là làm chuyện sáng tỏ hơn thật, nhưng chúng cũng tăng thêm phần đáng sợ, hãi hùng cho câu chuyện. Vì chúng thường luôn gắn với một ý nghĩa ẩn dụ hoặc một plot twist đáng kể nào đó. Như kiểu nhân vật bị “giật dây” sống cả đời như thể bị điều khiển bởi chính nỗi sợ trong quá khứ của mình với một tâm trí tật nguyền không lành lặn.

Xem thêm: Top game kinh dị dành cho người mới nhập cuộc

4/ Chứng rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt, nguồn cơn của nhiều thảm kịch

Chắc bạn còn nhớ đến Layer of Fears, Locked Up và nhiều trò chơi khác đều khai thác sự điên loạn của những tâm trí chẳng bình thường. Tính ra họ đều là nạn nhân của chính tâm trí mình, không thoát ra được một nỗi ám ảnh đè nặng nào đó, lâu dần hình thành một cơ chế tự bảo vệ mình bằng cách tạo ra một nhân cách thứ hai, thứ ba hoặc chìm sâu vào sự méo mó của tâm trí, không còn phân biệt được thực hay ảo.
 

Chứng rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt, nguồn cơn của nhiều thảm kịch


Mô tuýp này có thật ngoài đời. Đã có rất nhiều vụ án, tội ác rúng động gây ra bởi các hung thủ giết người hàng loạt tâm lý có vấn đề nghiêm trọng. Có thể có nhiều từ để gọi tên từng chứng tâm thần nhỏ nhưng tựu trung các biểu hiện rối loạn tâm lý ở cấp độ nặng nề đều gây ra hậu quả nặng nề, khủng khiếp nhất là giết người hoặc làm việc hại mình hại người. Cho nên đây chắc chắn là một phần không thể thiếu trong chủ đề yêu thích của các nhà phát triển game kinh dị.

5/ Thực thể biến dị, zombie hay thứ gì đó tương tự

Thực thể biến dị, zombie hay thứ gì đó tương tự


Này thì khỏi nói rồi, hằng hà sa số game: Resident Evil, Son of the Forest, The Last of Us, Dead Space. Dù có thể hiện dưới các hình thức, tên gọi khác nhau, nhưng đều là các kiểu người bị giết bởi một thực thể kinh hoàng nào đó, hay bị lây nhiễm bởi máu, bởi vết cắn, thương tổn vật lý, hay tiếp xúc gần với các vật không xác định, dẫn đến bị biến đổi, hoặc thậm chí chết đi rồi sống lại, mất hết lý trí và biến thành quái vật.

Mô tuýp hơn cả kinh điển này đến từ nỗi sợ diệt vong của con người, là một trong các kịch bản tận thế, hậu tận thế mà nhân loại từ lâu đã nghĩ đến. Cũng không ngạc nhiên khi ý tưởng này xuất hiện hàng loạt trong các trò chơi kinh dị.

6/ Nhà trẻ, hội trại hè, trẻ em nói chung

Trẻ em vốn trong sáng như tờ giấy trắng. Sẽ là một tội ác tày trời không thể tha thứ nếu ai đó muốn làm chuyện tổn hại đến các tâm hồn thuần khiết này. Chính vì vậy mô tuýp một biến cố khủng khiếp nào đó xảy đến với một nơi đang tập trung rất nhiều trẻ em luôn để lại chấn động tâm lý mạnh mẽ nơi người chơi. 
 

Thực thể biến dị, zombie hay thứ gì đó tương tự


Họ nôn nóng muốn biết chuyện gì đã xảy ra với những đứa trẻ, lo lắng cho thân phận của những đứa con sống sót và không hiểu ai, vì lý do độc ác nào đã gậy ra biến cố hãi hùng trên? Từ đó cảm giác sợ hãi, bất bình, ghê tởm xâm chiếm toàn tâm trí, đưa người chơi trở thành một phần thực sự của trò chơi. 

Chắc bạn còn nhớ hoặc đã từng nghe tới Summer of ‘58, câu chuyện về những đứa trẻ trong trại mồ côi và sau đó là loạt trẻ em trong một trại hè, chỉ sau một đêm biến mất không dấu vết như bọt xà phòng vì đã trở thành nạn nhân của một vụ lấy tạng hàng loạt kinh hoàng. Không bút mực nào có thể nói hết sự ghê sợ, cay đắng kể từ giây phút bạn nhen nhóm vài suy luận về sự mất tích của bọn trẻ.

Còn nhiều cách khác để nhà phát triển xây dựng câu chuyện của mình dựa vào yếu tố trẻ em. Và dĩ nhiên cách nào cũng đều hiệu quả bất ngờ nhờ dẫn dắt được sự đồng cảm sâu sắc nơi người chơi.

7/ Búp bê, gấu bông, món đồ chơi vô hại, nơi ẩn mình của quỷ dữ

Búp bê, gấu bông vốn là các đồ chơi của trẻ nhỏ, luôn có trong mọi ngôi nhà. Nó thật sự trỏ thành thứ ám ảnh nếu có một linh hồn tà ác giận dữ đang trú ẩn trong đó và từ từ gây ra hàng loạt tấn thảm kịch cho các thành viên trong gia đình.
 

Búp bê, gấu bông, món đồ chơi vô hại, nơi ẩn mình của quỷ dữ


Khi chơi các trò có mô tuýp này, vì sao bạn luôn cảm thấy sợ? Vì các món đồ này luôn có duy nhất một biểu cảm, bất di bất dịch, nhưng không ai biết được đằng sau chúng đang có tâm hồn không, đang suy nghĩ, rắp tâm điều gì. Và quan trọng chúng luôn được ôm ấp gần gũi vào lòng một cách không hề cảnh giác, cự ly rất tốt để gây tội ác và thao túng tâm lý người xung quanh. Vì các viễn cảnh không thể đoán trước này mà chúng ta cảm thấy sợ, thấy bất an và lo lắng. Đây luôn là tiền đề rất tốt để tạo nên cảm giác rùng rợn cho một trò kinh dị.