Chơi game nhanh quá liệu có tốt?
Chơi thật nhanh để về nước, phá đảo hay đạt được thành tích đáng nể khoe khắp làng là một thói quen không mấy hiếm gặp nơi nhiều gamer. Càng lão làng càng dễ mắc tình trạng này. Dĩ nhiên, là tốt, nếu bạn theo đuổi hành trình chinh phục mọi tựa game bằng cách tự cho mình quy định “luôn lọt top phá đảo nhanh nhất” trong cộng đồng người chơi. Nhưng với nhiều phương diện khác, chơi game quá nhanh không hẳn đã tốt.
Xem thêm: Bạn chơi game mà phải lập một cây gia phả để tiện theo dõi?
1/ Bạn đã vô tình bỏ qua nhiều chiều sâu của cốt truyện
Đúng là có trường hợp nhiều trò có cốt truyện quá dở khiến chúng ta chẳng thể nào kiên nhẫn dõi theo. Nhưng trong đa phần, chơi quá nhanh một trò chơi cũng có nghĩa là bạn đang lướt vèo vèo qua cốt truyện.
Việc này khiến cho trải nghiệm trò chơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn chẳng còn có thể xâu chuỗi được các quyết định, hành động của nhân vật, thậm chí không hiểu được vì sao mình lại phải chiến đấu với người này, thứ nọ trong trò chơi. Nên, dĩ nhiên, bạn cũng không biết được nốt ý nghĩa của các hành động diễn ra, đồng thời không rõ nó có liên hệ thế nào với câu chuyện chính.
Có rất nhiều trò chơi, các chi tiết hay ho không nằm trong cutscene chính mà được cài cắm đâu đó trong các tình tiết nhỏ lẻ hoặc các đoạn hội thoại ngắn ngủi của nhân vật với một NPC nào đó. Nếu chọn bấm nút “Skip”, thề luôn là bạn sẽ bỏ lỡ mất các chi tiết thú vị có liên quan tới câu chuyện này.
2/ Lười khám phá khiến bạn bỏ lỡ tinh hoa của trò chơi
Trừ những trường hợp ngoại lệ làm ăn không tới nơi tới chốn (như câu chuyện nói hoài không hết của Yandere Sim), tất cả các trò chơi thiết kế đàng hoàng đều được nhà phát triển cẩn thận cài cắm rất nhiều yếu tố hay ho trong đó.
Và khi bạn tự đặt cho mình mục tiêu lọt top về đích game nhanh nhất của một trò chơi cũng đồng nghĩa với việc bạn chỉ thưởng thức những PHẦN CHÍNH của tựa game, về cả câu chuyện lẫn lối chơi và cách khám phá thế giới. Cũng có nghĩa là bạn đã bỏ qua hàng loạt các sidequest, từ chối gặp gỡ nhiều nhân vật thú vị và cả các tương tác hấp dẫn rải rác trong trò chơi cũng bị bỏ lỡ.
Việc này khiến quá trình trải nghiệm trở nên không trọn vẹn. Chỉ có phần cốt lõi mà không thấy được toàn bộ tinh hoa của trò chơi.
Với các siêu phẩm tầm cỡ như Zelda, Elden Ring, God of War, A Plague Tale, Assassin’s Creed…, ai cũng biết nhà phát triển đã tốn rất nhiều năm để cho ra lò một trò chơi chất lượng. Họ đã dày công xây dựng nên một thế giới đẹp trọn vẹn cả về phần nhìn, lẫn phần nội dung bên trong kèm theo là rất nhiều hoạt động thú vị để giúp game thủ nâng tầm trải nghiệm game. Tuy nhiên nếu bạn chọn cách chơi thật nhanh, chỉ để về đích, chẳng khác nào ăn một bữa tiệc ở tầm thượng hạng được phục vụ bởi đầu bếp 5 sao nhưng ăn ngồm ngoàm, ngấu nghiến cho xong bữa. Vậy không phải quá lãng phí, hoài công hay sao?
3/ Không thưởng thức được toàn bộ cái thú của hành trình chơi
Chơi game nhanh thông qua giảm tối đa các nhiệm vụ phụ, lướt câu chuyện có thể đưa thời lượng chơi từ vài trăm giờ xuống chỉ còn vài chục giờ, quả là một khoảng cách quá lớn. Vậy điều gì đã khiến họ phá đảo nhanh như vậy trong các trò chơi?
Ví dụ điển hình như trường hợp của Elden Ring nhé, bạn chỉ cần hạ gục được 12 con boss chính trong số hơn 200 con quái lớn nhỏ trong trò chơi này là đã có thể đường hoàng về đích rồi. Nhưng cuối cùng đọng lại trong bạn là gì? Không là gì cả ngoại trừ một thế giới đẹp, u ám, quái hoành tráng, lối chơi phong phú, và hết!
Chẳng biết gì hơn về những tham vọng đen tối, về số phận phức tạp của các á thần biến chất của trò chơi cũng như vai trò của nhân vật chính trong hành trình của chính mình. Cũng không có dịp đối diện với những con trùm cực kỳ thú vị của tựa game này như Astel, Melania… Bạn đã bỏ lỡ rất nhiều tinh túy của trò chơi.
Hay như tình huống của The Witcher 3, đâu phải chỉ chăm chăm hoàn thành cốt truyện là đã được gọi “thưởng game”. Ngoài nhiệm vụ chính quan trọng nhất của tựa game, bạn còn có hàng loạt hoạt động bên lề thú vị khác như uống rượu, đi săn, tán gái… mà mấy thứ này có tác dụng tạo hứng thú cực hay ho và giúp bạn thật sự sống trong vai nhân vật của mình, hoàn toàn hòa nhập vào thế giới thời đại xung quanh.
Hơn nữa, rất nhiều khi, bí ẩn, bí mật về toàn bộ thế giới xung quanh lại nằm trong các sidequest. Do đó khi chơi quá nhanh, bỏ qua các nhiệm vụ phụ không bắt buộc này, hoặc tránh né nhận nhiệm vụ, bạn sẽ bỏ qua vô số giá trị của trò chơi.
4/ Mọi thứ cứ trôi tuột đi nếu ta chỉ chơi main quest
Sẽ thế nào nếu bạn chơi nhiều trò chơi mà không nắm được câu chuyện đằng sau, những tình tiết hay ho ẩn giấu đâu đó trong các nhiệm vụ nhỏ hoặc đối thoại với nhân vật phụ? Thời gian đầu có thể bạn sẽ rất hào hứng vì mình đạt thành tích đáng nể khi chinh phục một trò chơi mà ai cũng cho rằng khó nhằn.
Nhưng về lâu dài, bạn sẽ dần trở nên nhàm chán, tự chán chính tình yêu gaming của mình. Vì sao các tựa game gọi là khủng vẫn cứ giống giống nhau, tình tiết không có gì đặc sắc, câu chuyện cũng chẳng có gì đáng nhớ.
Chính bạn đã tạo ra cho mình một thói quen không tốt. Chơi game quá nhanh vô tình giết chết cảm xúc cũng như những thăng hoa cần thiết trong việc thưởng thức một thế giới game có ý nghĩa, có chiều sâu.
Ngược lại nếu bạn thật sự dành thời gian, công sức, tìm tòi, khám phá liên tục, thực sự chìm đắm vào thế giới mà nhà phát triển dày công xây dựng nên, chắc chắn sẽ tìm được nhiều điều thú vị. Thế giới đó bỗng trở nên lung linh kỳ ảo, lớn hơn bạn tưởng tượng và vì vậy trò chơi trở nên ấn tượng hơn nhiều lần.
LỜI KẾT
Người chơi chọn cách main quest, hầu như sẽ rất khó có thể hiểu hết cốt truyện, nắm được ngọn ngành của mọi thứ và vô tình đang thưởng thức một siêu phẩm game theo cách bình dân học vụ nhất, dẫn đến không nhận diện được tầm vóc cũng như sự khác biệt của trò chơi so với nhiều trò chơi khác. Chơi càng nhiều càng tốt để thực sự hòa mình khám phá mới là cách tốt nhất để bạn thấu hiểu được cái hay của mộ trò chơi.
Sản phẩm mới
Pokemon Pokepeace Puni Kyun Light Rowlet
849,000 ₫
Tomica No. 45 Toyota Dyna Refuse Truck
129,000 ₫