Game AAA là gì? Có phải cứ mua game 3A là mặc định hay?
Game AAA là gì? Game 3A là gì? Game Triple A là gì? Cùng tìm hiểu khái niệm game AAA là gì và tại sao người ta lại hay trông chờ vào những tựa game AAA nhé!
Game AAA là gì?
Game AAA hay còn được gọi là game 3A, game Triple A là một phân loại không chính thức của game, dùng để chỉ những tựa game tiêu tốn nhiều nhân lực, ngân sách, thời gian trong quá trình sản xuất cũng như quảng bá. Thông thường thì các game AAA sẽ do những nhà phát hành, studio cỡ vừa hoặc lớn phát hành.
Tóm lại để dễ hình dung hơn thì game AAA sẽ cần đủ 3 tiêu chí:
- A lot of time - Tốn rất nhiều thời gian.
- A lot of resources - Tốn rất nhiều tài nguyên.
- A lot of money - Tốn rất nhiều tiền bạc.
Tại sao game AAA lại tốn kém?
Lấy ví dụ điển hình nhất của game AAA trên máy chơi game Playstation 4: Red Dead Redemption 2 ở trailer bên trên, với mức đồ họa chân thật đến đáng sợ, thế giới mở để bạn tự do khám phá mọi ngõ ngách, hàng trăm ngàn câu thoại được lồng tiến thì bạn đoán thử xem Rockstar tiêu tốn bao nhiêu thời gian, nhân lực để hoàn thành? 2 3 năm? 100, 200, 500 hay 1000 người? Vài triệu USD kinh phí?
Câu trả lời là Red Dead Redemption 2 tốn 8 năm, hơn 2000 nhân sự và gần 100 triệu USD để hoàn thành.
Với máy chơi game cầm tay Nintendo Switch, tựa game AAA: The Legend of Zelda: Breath of The Wild thế giới mở của Nintendo cũng phải tốn tận 4 năm để phát triển và Miyamoto Shigeru nói rằng cần phải bán 2 triệu bản để hòa vốn. Giá của 1 bản game BotW là 59.99$, tức là kinh phí để phát triển Breath of the Wild lên tới 120 triệu USD!
Làm game không bao giờ rẻ hay dễ dàng và game AAA bom tấn thì lại càng không. Cả 2 tựa game trên đều là điển hình nhất để phân loại game AAA là gì, mọi chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất cũng cần nguồn nhân lực rất lớn để mọi thứ diễn ra trơn tru, không xảy ra lỗi và đúng với mong đợi.
Nhưng nếu đã bỏ một số tiền lớn để tạo ra sản phẩm mà không ai mua, không ai biết đến thì mọi thứ trở nên thật vô nghĩa, vậy là họ, những nhà phát hành game lại cần đến marketing! Marketing chính là chi phí tốn kém nhất nhưng bắt buộc phải đầu tư vào.
Vậy là chỉ với 2 vấn đề cơ bản trên thôi đã đủ biết lý do tại sao làm ra một game AAA lại tốn kém đến vậy. Ngoài 2 chi phí đó ra, vẫn còn hàng trăm ngàn vấn đề khác phát sinh thêm và khiến kinh phí bị dội lên nữa nhưng bài viết này sẽ không đề cập chi tiết sâu quá.
Game 3A chỉ có thể đến từ các ông lớn ngành game?
Chính vì ngốn quá nhiều kinh phí nên hầu hết các game AAA hiện tại đều chỉ đến từ những ông trùm trong ngành mà hầu như game thủ nào cũng đã 'chai mặt' như Nintendo, Square Enix, EA, Id Software, SEGA, Bandai Namco... hiếm và gần như không mấy khi các studio độc lập dám sớ rớ tới.
Hiếm không có nghĩa là không có, trường hợp điển hình nhất của studio độc lập nhưng vẫn đang nỗ lực để ra mắt một sản phẩm xứng tầm AAA chính là Game Science Studio. Nghe tên studio thì chắc bạn thấy hơi 'lạ tai' nhưng hẳn bạn đã nghe qua cái tên Black Myth: Wukong.
Xem qua trailer gameplay trên thì hẳn không ít game thủ lầm tưởng game đến từ studio của các ông lớn nhưng hóa ra lại là một studio độc lập lạ hoắc lạ huơ, thành lập hồi mới 2018 với quy mô thời điểm bắt đầu thực hiện dự án là chỉ vỏn vẹn 7 người.
Do đó game AAA không hẳn lúc nào cũng sẽ đến từ các hãng làm game khủng, nếu các studio độc lập có đủ nguồn lực cũng như nhân sự và thời gian để phát triển thì chính bản thân họ cũng có thể tự làm ra một game bom tấn 3A cho riêng mình.
Vậy thì game AAA chắc chắn là game hay?
Không, chắc chắn là không. Làm game là một loại nghệ thuật, mà làm nghệ thuật thì rất khắc nghiệt. Không phải cứ đầu tư ngân sách khủng, nhân sự nổi tiếng hoặc quảng bá hoành tráng 'Đây là game AAA' thì người chơi mặc định sẽ đánh giá game đó hay.
Bạn có nghe qua về quả bom không chỉ xịt mà còn được vinh danh là game tệ nhất - Anthem chưa?
Anthem hội tụ đủ mọi điều kiện để được gọi là 1 game AAA: 6 năm để phát triển, hơn trăm triệu đô đổ vào đầu tư, khâu quảng bá gây ấn tượng mạnh, nhưng tất cả những gì Anthem thu được là đánh giá tệ hại, sự phẫn nộ của cộng đồng game khi game có thể khiến máy PS4 của bạn thành cục đồng nát. Việc chính BioWare 'bỏ rơi' đứa con của họ càng khiến Anthem giữ vũng ngai-vàng-danh-giá-không-ai-dám-đá: Worst game of 2019!
...và gần đây nhất là tựa game đình đám Cyberpunk 2077!
Kể cả bạn không chơi thì cũng ít nhiều nghe qua hoặc thấy qua meme ở đâu đó rồi!
Cyberpunk 2077 của CD Projekt Red mất gần 9 năm để phát triển, cộng thêm chi phí marketing với sự xuất hiện của ngôi sao Hollywood Keanu Reeves nên tổng kinh phí lên tới 317 triệu đô, dư sức để nhận danh hiệu game AAA!
Đình đám là thế nhưng những gì mà Cyberpunk 2077 mang lại khi ra mắt lại hoàn toàn phá hủy mong đợi của game thủ: Bug game xuất hiện bất cứ lúc nào, bất kì nơi nào trong game. Số lượng bug trong game nhiều đến mức người chơi phải đổi cả tên game thành Cyberbug 2077.
Chưa dừng lại ở đó, game được giới thiệu phát triển dành cho máy console nhưng khi chơi trên hệ máy PS4 Pro thì lại bị giảm độ phân giải xuống đến độ khó chấp nhận. Nhiều vấn đề phát sinh tới nỗi Sony phải tạm thời gỡ bỏ game khỏi Store và cho phép người chơi đã mua bản Digital có thể yêu cầu hoàn tiền.
Một màn ra mắt không thể tệ hơn đến từ chính studio đã làm nên The Witcher 3 đình đám. Dù vậy nhưng ít ra CD Projekt Red ra mắt bản update sửa lỗi trong thời gian sớm nhất chứ không 'bỏ rơi' Anthem như BioWare. Nhờ vào đó mà Cyberpunk 2077 cũng đã vực dậy và xứng đáng với cái danh hiệu game AAA của chính nó.
Game thủ bội thực với đống game mác AAA
Game AAA cũng như những phần thịt mỡ thơm lừng béo ngậy trong khẩu phần của game thủ vậy. Nó hấp dẫn, thơm phức và đầy bóng bẩy, chắc hẳn ai nhìn vào cũng muốn thưởng thức ngay rồi. Nhưng mỡ ăn nhiều thì cũng phát ngấy.
Khi các ông lớn cứ đua nhau đổ tiền để đua nhau làm game AAA với đồ họa siêu thực, âm nhạc sáng tác bởi những nhà soạn nhạc lừng lẫy, bản đồ trong game làm chi tiết tới từng hột bụi tia lửa... đến một thời điểm nào đó, gần như mọi game đều nhìn giống đời thật và na ná nhau thì cảm xúc của người chơi cũng chẳng còn hào hứng mấy nữa.
Không phủ nhận việc rất nhiều game AAA thật sự xứng đáng với những gì cần bỏ ra để xây dựng nên nó, kế thợp hoàn hảo và tận dụng, tối ưu mọi thứ nhưng song song đó cũng không ít game đầu tư cho 'cố xác' để rồi chỉ được cái bày biện món ăn đẹp, còn nội dung và lối chơi - hai yếu tố quan trọng tựa như việc nêm nếm gia vị, quyết định thành bại của món ăn thì quên hay thậm chí không thèm quan tâm tới.
Một số còn biến tướng hơn khi gia vị cơ bản để 'nêm nếm' cho món ăn - thứ đáng lý phải nằm trong cùng một phần ăn thì nay bị cắt xén ra để bán riêng. Thử nghĩ bạn muốn nêm thêm muối hay tiêu cho miếng thịt mà nhà hàng yêu cầu phải trả 5$ hay thậm chí 25$ cho phần gia vị đó xem.
Đáng lý ra phần nội dung và gameplay cơ bản phải có sẵn từ đầu trong game lại bị cắt xén ra và bán dưới dạng DLC, buộc người chơi phải mua mới có một game hoàn chỉnh chứ không phải nội dung bổ sung để game thêm phong phú, đa dạng thì có tức không cơ chứ?
Game thủ không phải ai cũng dễ dãi, đừng nghĩ đầu tư kinh phí khủng, studio to thì mặc định sẽ thành công, mặc định họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua, cái họ cần và mong muốn nhất là có thể 'thưởng thức' tựa game đó.
Game AAA còn dở thì biết chơi game gì?
Nào, đâu ai nói rằng tất cả game AAA đều thành bom xịt, rất nhiều game AAA cực kì thành công và được hầu hết game thủ đánh giá rất cao. Nếu bạn thật sự không rành về cách tìm game hay thì đơn giản nhất là cứ tham khảo danh sách những game top thôi.
Hầu hết các danh sách đó đều được chọn lọc kĩ lưỡng cũng như có đánh giá ngắn gọn về game, giúp bạn không mất quá nhiều thời gian mà lại còn dễ dàng tìm được tựa game phù hợp với mình.
Những game AAA mà còn đoạt được danh hiệu như Game of the Year, Best game v.v... thì khỏi cần bàn cãi nhiều vì đó chắc chắn là game hay rồi. Cùng xem thử các game 3A đã đạt giải Game of the Year từ năm 2014 đến nay:
- Dragon Age: Inquisition
- The Witcher 3: Wild Hunt
- Overwatch
- The Legend of Zelda: Breath of the Wild
- God of War
- Sekiro: Shadows Die Twice
- The Last of Us Part II
- It Takes Two
- Elden Ring
The Game Awards - Giải Oscar của ngành game!
Các game AAA trong danh sách trên cũng đủ để bạn 'làm vốn' lựa chọn game khi mua máy rồi. Nếu bạn mua PS5 thì cứ đơn giản God of War, The Witcher 3, Sekiro, Ghost of Tsushima, The Last of Us Part II hay thử thách với Elden Ring. Còn mua Nintendo Switch thì Zelda, Xenoblade, Astral Chain, Metroid, Bayonetta Witcher 3 thôi.
Tất nhiên có thể những game này không phải ai cũng sẽ thích, chẳng hạn như có người còn thích chơi Party Planet trên Switch hơn cả Zelda: Breath of The Wild mà, nhưng việc giành được giải thưởng do chính cộng đồng bình chọn cũng phần nào giúp bạn yên tâm hơn về chất lượng game.
Xem thêm: Game Evergreen là gì? Mục tiêu tối thượng của nhà phát triển game!
Đừng quá chú trọng game AAA là gì, hãy tìm game bạn thấy thích là được!
Vậy, sau khi đã biết được game AAA là gì thì có lẽ bạn cũng đã có sẵn trong đầu một số lựa chọn cho mình rồi đúng không? Tuy nhiên, đừng nên quá quan trọng việc tìm game AAA để chơi, những tựa game indie đến từ các studio nhỏ lẻ dù không được đầu tư mạnh tay nhưng vẫn có rất nhiều game cực kì chất lượng, xứng đáng để bạn trải nghiệm thử đó.
Hi vọng rằng bạn có thể tìm được món ăn ưng ý cho mình nhé!
Có thể bạn quan tâm:
miHoYo: Từ Start-up nhỏ đến hướng đi mới cho game AAA trên di động.
Marvel's Spider-Man 2 - Tiếp nối thành công của bom tấn 3A trên PS5
Viết bình luận