Thời lượng game - Phần 1: Game ngắn dài phụ thuộc vào các yếu tố nào?

Vì đời người là có hạn nên thời gian cần bỏ ra chất lượng, kể cả khi chơi game

Một trong các game được mong đợi của năm, Dying Light 2, vừa tuyên bố game thủ cần 500 giờ chơi để hoàn thành. Sự việc đã làm dấy lên nhiều chiều dư luận khác nhau. Câu chuyện muôn thuở được mọi người đào lại: Game thời lượng bao nhiêu là ngắn hay dài. Cùng nShop xem qua các tiền lệ trước đây để có được cho mình kết luận riêng nhé.
 

Thời lượng game - Phần 1: Game ngắn dài phụ thuộc vào các yếu tố nào?


Thời lượng game là gì?

Có một người bạn đã từng kể với người viết “Chơi game 10 giờ đã là dài”. Rồi cũng người bạn đó, một năm sau khi mua Switch đã nhắn “Animal Crossing chơi hoài không hết, tới giờ cộng lại chắc cũng cả trăm tiếng rồi”. Vậy mới thấy, nghĩ game thời lượng ngắn dài, bao nhiêu là đủ, chơi trong bao lâu là một khái niệm mang tính tương đối. Nó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là cảm nhận chủ quan của mỗi người, ở tùy thời điểm và hoàn cảnh.
 

Animal Crossing, một điển hình chơi hoài chơi mãi

Animal Crossing, một điển hình chơi hoài chơi mãi


Nói một cách tổng quan: Thời lượng game là Thời gian trung bình để một người chơi cần (sẵn sàng) bỏ ra để hoàn thành một trò chơi từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành hết mọi thứ trong game. 

Thời lượng sẽ được chia làm 3 loại:

  • Thời lượng game tính theo nhiệm vụ chính (main)
  • Thời lượng game gồm nhiệm vụ chính phụ (cần thiết và phục vụ cho mục đích chính)
  • Thời lượng game tổng cộng để hoàn thành các việc lớn nhỏ trong game. Gồm cả việc phải khám phá hết tất cả mọi thứ phụ-của-phụ trong game như: tất tần tật ngóc ngách của môi trường, bối cảnh, các chi tiết ẩn, nhiệm vụ phụ dạng mini game kiểu chơi hay không chơi không ảnh hưởng tới kết cục… 
     

Thời lượng game là khái niệm khá tương đối

Thời lượng game là khái niệm khá tương đối


Một số game khi công bố chính thức ra mắt sẽ kèm theo thông tin của cả ba loại thời lượng trên để người chơi tương lai tiện bề quyết định. 


“Phá đảo” có khác với Thời lượng game không?

Đã chơi game, ai cũng nói về “phá đảo”. Cụm từ này theo tổng hợp của người viết thì được cho là xuất phát từ game đi cảnh đời đầu Contra. Nếu bạn nào còn nhớ thì trong Contra, khi người hùng của chúng ta vượt qua được hết mọi chướng ngại vật, xử sạch kẻ thù, diệt luôn trùm cuối thì cảnh cuối cùng sẽ có một chiếc trực thăng thả dây đón, thoát khỏi hòn đảo đang phát nổ bên dưới. 
 

“Phá đảo” có khác với Thời lượng game không?


Vì Contra thời đó quá phổ biến đi, cho nên chiến thắng được trò này là một vinh quang mà hầu như ai cũng phải làm được, và là mục tiêu của mọi lính mới. Từ đó “phá đảo” ra đời, để chỉ những chiến thắng kết cục trong bất kỳ tựa game nào.
 

“Phá đảo” có khác với Thời lượng game không?


Nhớ lại chút nữa thì Contra vốn không có nhiệm vụ phụ. Đa phần từ đầu tới cuối câu chuyện là bắn đánh lũ lượt kẻ thù các loại. Cũng không có các màn khám phá thế giới xung quanh phức tạp như giờ. Cho nên chung quy “phá đảo” cũng chỉ nghĩa là Hoàn thành xong nhiệm vụ chính của game, CHƯA GỒM các nhiệm vụ phụ, sục sạo thế giới, hay phát hiện tất cả những góc bí mật, con đường ẩn, kho báu tiềm tàng. Lại càng chưa phải là trải nghiệm qua hết các mode chơi trong game. 

Như vậy, tùy game, tùy thiết kế và ý đồ của nhà phát triển, “phá đảo” có thể bằng hoặc nhỏ hơn Thời lượng game được đề cập tới trong mô tả mỗi trò chơi.


Kỳ vọng của các bên với khái niệm Thời lượng game

Mỗi trò chơi đều mang theo trong mình rất nhiều kỳ vọng, từ cả nhà phát triển lẫn người chơi tương lai. Từ phía nhà phát triển, họ luôn muốn tối đa hóa trải nghiệm của người chơi và giữ người chơi lại với game lâu nhất có thể. 
 

Kỳ vọng của các bên với khái niệm Thời lượng game


Nhà phát hành lại quan tâm tới hiệu quả thương mại và tính kinh tế, khả năng mở rộng lâu dài của trò chơi (các game ngắn thường có giá thấp hơn và ít được chú trọng như các game khủng có thời lượng dài). 

Còn người chơi thì lại có nhiều trường phái khác nhau. Có khi muốn chơi game dài, chất lượng để nhẩn nha tận hưởng. Có người tìm tới các tựa game gọn gàng, tốc độ, chơi nhanh về đích nhanh. Người khác thích mở rộng các lựa chọn, và chủ yếu quan tâm tới chất lượng của cốt truyện, ngắn dài không quan trọng lắm.

Tam giác lợi ích này không phải lúc nào cũng gặp nhau. Và khi chúng không thể tìm thấy điểm chung, đó là khi bạn gặp lấn cấn với Thời lượng game.
 

Kỳ vọng của các bên với khái niệm Thời lượng game


Vậy Thời lượng game ngắn dài, thực chất, phụ thuộc vào các yếu tố nào?


1/ Thời lượng game tùy vào thể loại 

Như các game RPG thì không thể nào có chuyện chơi 10 tiếng là xong được. RGP là thể loại game thường có thời lượng chơi dài hơi nhất. Hoặc game mô phỏng làm nông thì cũng đâu thể chơi trong mười mấy giờ được. Game đối kháng như kiểu Super Smash Bros thì càng chơi lâu, chơi nhiều càng tăng đô, càng nghiện.
 

1/ Thời lượng game tùy vào thể loại


Đa phần gamer chơi lâu năm đều gật gù đồng ý luận điểm “Game mà hạ màn nhanh quá thì cũng hông vui lắm đâu”. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ. Như Okage: The Shadow King cho PS2, một game nhập vai chính hiệu. Bạn nào còn nhớ thì nó chỉ tốn khoảng 20 tới hai mươi mấy giờ để hoàn tất thôi.

Nhưng cốt truyện quá sức tuyệt vời và trên cả độc đáo của nó đã làm người chơi thật sự no đầy, đi tới kết cục nhanh chóng mà không có tí hụt hẫng nào.
 

Chỉ 20 giờ nhưng bạn sẽ thât sự với một game “đã” và “chất” như Okage: The Shadow King

Chỉ 20 giờ nhưng bạn sẽ thât sự với một game đã và chất như Okage: The Shadow King


Cụ thể, tham khảo một số gamer kỳ cựu, mức độ thời lượng của một game nhập vai RPG có thể được phân theo các cấp độ sau:

  • Dưới 20 giờ: hiếm, ngắn
  • 20-50: ngắn
  • 50 - 70: trung bình
  • 70 - 100: khá dài
  • Trên 100: dài, hiếm. 

Ở cả hai điểm cực: rất ngắn và rất dài, đều đòi hỏi một game RPG phải thật sự độc đáo, cốt truyện gây bất ngờ và có chiều sâu hiếm thấy. 
 

Game nhập vai có thời lượng ngắn dài rất tùy vào độ sâu của câu chuyện và cách xây dựng nhân vật

Game nhập vai có thời lượng ngắn dài rất tùy vào độ sâu của câu chuyện và cách xây dựng nhân vật


Người viết sau khi có được thống kê này cũng tự kiểm lại bản thân xem có đúng vậy không? Thì đây là danh sách của mình:

  • Persona 3 (Atlus): khoảng 101 giờ với cốt truyện chính. Sau khi có thêm nội dung phụ thì 143 giờ.
  • Persona 4 (Atlus): Khoảng 92 giờ.
  • Dragon Quest 7 (Enix): Khoảng 86 giờ (tới cấp 45).
     

Một cảnh trong Dragon Quest 7

Một cảnh trong Dragon Quest 7


Đỉnh điểm là Final Fantasy Tactics A2 mài tới 160 giờ. Cũng tại nó hấp dẫn quá không dừng được, và số lượng nhiệm vụ phụ cần thiết phải làm thì có rất rất nhiều. Nhưng game này không đơn thuần nhập vai, mà chính là RTS chơi chiến thuật có thêm yếu tố RPG. 
 

Final Fantasy Tactics A2


Game đi cảnh, giải đố, platform thì có thể có thời lượng ngắn dài vô chừng, tùy theo ý tưởng ban đầu và độ phong phú để triển khai ý tưởng.

Xem thêm

Game Captain Toad: Treasure Tracker trên Switch chỉ cần khoảng 7 giờ chơi

Game Captain Toad: Treasure Tracker trên Switch chỉ cần khoảng 7 giờ chơi

Các game AAA ngốn kha khá thời gian của người chơi, và đồng thời cũng ngốn một khối kinh phí khổng lồ của nhà sản xuất, nếu muốn làm cho ra, tới nơi tới chốn. Mỗi góc cạnh của không gian mở trước mắt đều cần rất nhiều nỗ lực để khám phá. 

Người chơi thường xuyên bị cuốn vào sự xinh đẹp của không gian xung quanh, và đôi khi họ tạm quên nhiệm vụ chính để chu du đây đó ngắm cảnh hái hoa bắt bướm. Cái này không tính vào thời lượng chính của game do nhà phát triển niêm yết nhưng với người chơi thì khám phá thế giới AAA có thể gọi là một thú vui.

Xem thêm

 

Ratchet & Clank: Rift Apart có thể phá đảo trong 11-15 tiếng hoặc nhiều hơn tùy bạn nhởn nhơ rong chơi thế nào

Ratchet & Clank: Rift Apart có thể phá đảo trong 11-15 tiếng hoặc nhiều hơn tùy bạn nhởn nhơ rong chơi thế nào


Thể loại game chiến thuật RTS thì người chơi cần phải dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ ra các chiến lược, chiến thuật hay ho nhằm giành lấy lợi thế cho mình trong mỗi lần đối đầu. Bản thân cái thú của việc nghiền ngẫm tình hình như một Gia Cát Lượng tái sinh luôn là chất gây nghiện của các game chiến thuật này. Cho nên việc một game RTS có thể kéo dài hơn cả trăm giờ luôn được xem là bình thường. Có khi còn tới vài trăm, nhất là khi kết hợp với một yếu tố hạng nặng nào đó, như có thêm cả yếu tố nhập vai trong bối cảnh thế giới mở nữa. 
 

Fire Emblem: Three Houses mất ít nhất 50 giờ để đi xong nhiệm vụ chính, và hơn nhiều cho toàn bộ các nhiệm vụ lớn nhỏ

Fire Emblem: Three Houses mất ít nhất 50 giờ để đi xong nhiệm vụ chính, và hơn nhiều cho toàn bộ các nhiệm vụ lớn nhỏ


Để tổng kết lại, bạn có thể xem qua bảng xếp hạng thời lượng trung bình của game theo thể loại (từ The Ringer). Dĩ nhiên đây chỉ là tham khảo và mang tính tương đối. Nhưng ít nhiều sẽ mang tới cho bạn vài cái nhìn chung.
 

Thời lượng game - Phần 1: Game ngắn dài phụ thuộc vào các yếu tố nào?

 


2/ Chất lượng và chiều sâu câu chuyện, cùng những đánh đổi khác

Một số game như các phần của series Zelda, Final Fantasy, Assassin’s Creed. Câu chuyện vốn quá phức tạp, nhiều diễn tiến rồi cả dòng thời gian, không gian khác nhau, các nhân vật ai cũng cá tính và đan xen của họ trong quá khứ và họ trong hiện tại. Khiến cho thời lượng game chẳng thể nào ngắn gọn được cỡ chừng hai ba chục tiếng được. 
 

Tùy chất lượng và chiều sâu câu chuyện, thời lượng game sẽ thay đổi

Tùy chất lượng và chiều sâu câu chuyện, thời lượng game sẽ thay đổi


Với các game thực sự chất lượng, thời lượng dài là cách để nhà phát triển mang tới một câu chuyện trọn vẹn, giải quyết dứt điểm mọi tình tiết lớn nhỏ và hóa giải được mọi bí ẩn trong game. 

Trong khi đó, các game ngắn lại giúp nhà phát triển tiết kiệm được kha khá tiền nhưng sự quan tâm và tốc độ truyền miệng có khi ít hơn nhiều so với các game khủng thời lượng dài. 


3/ Đối tượng người chơi mục tiêu

Người chơi trẻ có xu hướng chơi game năng động hơn, họ hiếu thắng và nóng lòng hơn, nhưng cũng dễ nản chí. Họ có thể có quỹ thời gian hào phóng hơn nhưng lại rất dễ bị xao nhãng. Ngân sách cũng có phần nhỏ lẻ. Game dành cho giới trẻ thường nhìn chung là có thời lượng tương đối và có nội dung kích thích cao độ, có tính xu hướng cao.
 

Battle Royale với các màn truy cùng đuổi tận

Battle Royale với các màn truy cùng đuổi tận tới khi chỉ còn một người duy nhất sống sót, là một trong các thể loại được giới trẻ ưa chuộng


Còn game dành cho người trưởng thành thường thuộc một trong hai trường phái. Một là cực ngắn và ấn tượng, hai là cực dài nhưng câu chuyện phải thật sâu sắc, tinh tế, đủ mọi khía cạnh để khám phá. Vì họ thường là đối tượng có tiềm lực tài chính hơn. Nhưng đã có quá nhiều trải nghiệm, khó có thể chịu đựng một game nhàn nhàn và lâu lắc. Họ cũng có nhiều mối bận tâm hơn như thăng tiến trong công việc, các mối quan hệ, rồi sau đó là con cái, vợ chồng… Ngắn hay dài cũng được nhưng phải có bản sắc riêng và có chiều sâu.
 

Day Light 2

Day Light 2 dù có thời lượng nghe nói khá dài, nhưng vẫn là một trường hợp hiếm được các anh em tuổi không còn teen săn đón


Các game dành cho gia đình, để cả nhà có thể xúm lại chơi với nhau cuối tuần, thì có thể thuộc dạng Thời lượng không giới hạn (như Super Smash  Bros hoặc Super Mario Party). Câu chuyện, nhiệm vụ chính phụ không còn quan trọng nữa, quan trọng là trải nghiệm cả nhà đoàn tụ vui vẻ dành thời gian bên nhau. 
 

Game cho gia đình thì chia nhỏ ra thành nhiều màn hấp dẫn, thời gian tổng bao nhiêu nhiều khi không quan trọng bằng trải nghiệm chung vui


Game cho gia đình thì chia nhỏ ra thành nhiều màn hấp dẫn, thời gian tổng bao nhiêu nhiều khi không quan trọng bằng trải nghiệm chung vui.


Lời kết:

Bạn có thể thấy Thời lượng game phụ thuộc rất nhiều vào thể loại, câu chuyện và các mục tiêu của nhà phát triển, nhà phát hành. Nhưng chung quy, lúc nào cũng có ngoại lệ. 

Với cương vị người chơi thì thứ chúng ta thật sự nên quan tâm là chất lượng của một game và liệu nó có phù hợp với các tiêu chuẩn của bản thân không. Suy cho cùng Thời lượng game mà bạn nghe hoặc thấy được từ hãng làm game hoặc những anh em đi trước, cũng chỉ là một tham khảo. Nếu đã xác định ổn, muốn chơi, thì chiến thôi nghĩ ngợi gì nữa.

Viết bình luận

Tên của bạn

Email của bạn

Nội dung

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên