Con được nghỉ hè, ở nhà chơi game miết, tôi phải làm sao?

Mình không định viết ra những dòng này theo kiểu hiến kế hay gợi ý cho các bậc phụ huynh. Chỉ là một bài chia sẻ nhỏ dành cho những người cùng cảnh ngộ.

Xem thêm: Bố mẹ có thể cùng làm gì khi con thích chơi mô hình?

Con được nghỉ hè, ở nhà chơi game miết, tôi phải làm sao?


Vì mỗi người hẳn có cách dạy con riêng. Cách quản lý thời gian học, chơi và các hoạt động ngoại khóa của con cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên với vấn nạn “con mê game mùa hè” mà bố mẹ nào cũng phải đương đầu này, với cá nhân mình, cách xử lý sau đây đã thành công mỹ mãn. Hy vọng bài này sẽ giúp bạn, ông bố bà mẹ 9X cũng vừa qua tuổi trẻ trung năng nổ như mình có được thêm vài chiêu trị hội chứng mê game mùa hè của trẻ nhà.

1/ Lựa chọn phương tiện chơi và cách thức chơi game phù hợp cho từng độ tuổi

Lựa chọn phương tiện chơi và cách thức chơi game phù hợp cho từng độ tuổi


Nhà mình, một bé lên 6, một bé lên 4. Cả hai đều trong tuổi tò mò dữ dội. Mình quyết định cho con chơi game một phần vì thấy rõ ràng chúng có ích. 

Với một trò chơi phù hợp độ tuổi, dĩ nhiên không có tính bạo lực, đen tối hay mấy yếu tố xxx khác, trẻ có thể học được nhiều thứ từ video game: phân biệt màu sắc, luyện trí nhớ, luyện tập thao tác tay, tự học từ mày mò nhiều thứ vì có nhiều thắc mắc khi chơi game. Những giờ phút hiếm hoi cả nhà tụ tập trong phòng khách cùng nhau chơi mấy game như Mario Kart, Kirby chẳng hạn cũng hay ho phết.

Cùng việc nhìn nhận lợi ích của chơi game, mình cũng hiểu ra rằng nên cho con những lựa chọn phù hợp nhất từ đầu, để việc chơi game trở nên thú vị, có ích đồng thời luôn nằm trong tầm kiểm soát của người lớn. Mình đã chọn mua trọn một bộ gear gồm:

  • 1 máy Nintendo Switch
  • 1 bộ loa ngoài 
  • 4 Controller (vì nhà có 4 người, để dành cho game cả gia đình)
  • Đĩa băng game Kirby, Super Smash Bros và Mario Kart. 
  • Kệ gắn controller đặt bàn

Khởi đầu là như vậy, rồi sau đó nếu con có thích hay phát triển cách chơi hơn thì sẽ mua thêm t thể loại mới.

Mình chọn Nintendo vì bộ sưu tập game khá nhiều thiên về hướng gia đình. Nhiều game cũng khá dễ chơi, phù hợp với thẩm mỹ và trình độ phát triển của trẻ con. Gia đình cũng có thể chơi ở nhà mà đi du lịch mang máy theo cũng được. Nói chung là rất tiện, lại còn có ngoại hình đẹp kiểu vui tươi ấy, không quá trịnh trọng hay cồng kềnh như các máy chơi game khác.

2/ Cho con hiểu rõ về mục tiêu chơi game 

Cho con hiểu rõ về mục tiêu chơi game


Bạn có thể nghĩ việc này khá mô phạm, trẻ con đâu nhất thiết phải hiểu nhiều vậy. Nhưng mình xin nói luôn là bọn trẻ ngày nay thông minh lắm, chúng nó hiểu cả hơn những điều bạn nói đấy.

Sau khi trang bị máy móc đồ nghề xong hết, mình chưa vội khai trương “phòng game tại gia” (vốn là góc nhỏ dưới chân cầu thang được  cải tạo lại). Nhân một ngày cuối tuần, mình gọi hai bé ra bắt đầu nói cho chúng nghe về việc chơi game. Hỏi các con đã từng thấy game chưa? Có muốn chơi không? Vì sao muốn? Con nghĩ game giúp ích gì cho con? Game có phải là học không, có gì khác học…

Bạn có thể hỏi con bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới quan điểm của trẻ về trò chơi điện tử. Hai đứa con mình ở hai tuổi khác nhau, đều đưa ra các câu trả lời ngô nghê theo cách riêng. Bạn hãy nghe, đồng tình và sau đó bổ sung thêm những ý quan trọng. Nhớ lồng ghép vào ý: chơi game phải luôn có chừng mực thì mới tốt.

Chốt hạ buổi nói chuyện, mình hỏi luôn “Vậy tui con sẽ làm gì nếu ở nhà có hẳn một phòng chơi game nhỏ riêng cho hai đứa?”

Câu trả lời, bạn biết rồi đó, la vang cả nhà luôn. 

3/ Lập thời khóa biểu sinh hoạt hè trong ngày

Lập thời khóa biểu sinh hoạt hè trong ngày


Nào, cũng chưa tới lúc cho chơi hẳn đâu. Bạn nên ngồi lại với các bé ở nhà, cùng nhau bàn luận và lập ra một thời khóa  biểu sinh hoạt mỗi ngày trong giai đoạn hè. Và nói rõ lịch trình này sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian vào học, nghĩa là thời gian chơi và giải trí trong ngày cũng sẽ ngắn lại theo.

Trong lịch, dĩ nhiên có thời gian chơi. Tùy quan điểm riêng, bạn có thể cho trẻ chơi cùng người lớn hoặc cho trẻ tự khám phá. Hay như mình, mình chọn trong thời gian đầu chơi cùng người lớn, sau đó để trẻ tự do, hai đứa muốn chơi cùng nhau cũng ok luôn.

Điểm mấu chốt của khâu này là cần nhấn mạnh: thời khóa biểu cần được tuân thủ 100%, chỉ ngoại lệ nếu nhà có đi đâu cùng nhau hoặc khi trẻ có sức khỏe kém chẳng hạn. 

Nếu không tuân thủ và không làm đúng, thì máy chơi game và cả bộ gear đi kèm, a lê hấp sẽ bị nhốt trong phòng chơi không mở cửa ra nữa.

Bạn cần lựa chọn một “cái giá phải trả” đắt đỏ một chút, để trẻ hiểu được tầm nghiêm trọng của việc không đi theo lịch trình đã chốt từ trước.

Có trường hợp người lớn trong nhà bận việc nên để trẻ xả giàn một ngày. Nếu việc này xảy ra, bạn nên tận dụng để cho trẻ hiểu ra “nếu chơi game quá nhiều, con sẽ thấy mỏi mắt và toàn bộ các hoạt động còn lại trong ngày sẽ bị ảnh hưởng”. 

Vì lập thời khóa biểu là một chuyện, răn đe là một chuyện, bạn còn nên tập cho con mình thói quen tự nhận thức hậu quả và tự giác làm theo kỷ luật mà không cần ai theo sát nhắc nhở.

Nếu làm thành công bước này, việc quản lý thời gian chơi game của trẻ hoàn tất 80%. Cũng giảm thiểu tối đa tình trạng nghiệm game mùa hè như nhiều phụ huynh thường phàn nàn.

4/ Đan xen nhiều hoạt động vui vẻ khác trong ngày

Đan xen nhiều hoạt động vui vẻ khác trong ngày


10% còn lại nằm ở khả năng “bày trò” nơi bạn. Bạn cần giúp con mình hiểu ngoài chơi game, cuộc đời tươi đẹp còn có khối thứ hay ho để làm. Như đi bơi nè, dạo phố cafe sáng nè, ăn sáng ở một chỗ mới trong phố, đi xem đồ chơi, tới khu vui chơi. Hay đơn giản ít tốn kém như anh em trong nhà tụ lại tô màu, vẽ tượng, ráp Lego, vẽ vời, nhún nhảy theo nhạc. Quá chừng thứ để giúp chúng tiêu hao năng lượng một cách có ích .

Đó là chưa kể trẻ còn sẽ học. Học trong hè thì chẳng có đứa con nít nào thích cả. Nhưng nó có trở thành một đề mục tạo được hào hứng hay không thì còn tùy vào cách của bạn. Hãy gắn kết việc học với việc chơi game. Biến mục tiêu học trở thành yêu cầu để được chơi game. Một ngày, con cần đọc xong 10 trang sách, đọc 2 bài thơ, viết 2 trang chữ hoặc gì đó thì tùy sở thích học cũng như độ tuổi. Làm xong ngần đó thì mới được vào chơi game. Chơi game xong tới đúng giờ thì phải dừng để làm hoạt động khác.

Được tung tăng cả ngày, được thỏa sức dùng năng lượng vào nhiều mục đích khác nhau, con bạn sẽ có một mùa hè lành mạnh mà bao vui đấy.

5/ Cùng con tìm hiểu về trò chơi chúng đang chơi

Cùng con tìm hiểu về trò chơi chúng đang chơi


Các cấp độ tiến bộ của một chiêu mà Kirby vừa mới nuốt được là gì? Rồi làm sao để tiết kiệm thời gian đua qua ở mấy vòng kiểu có nước, chơi với Rosalina thì làm sao để nàng ta khai thác triệt để phép thuật… 

Có 1001 tình huống xuất hiện trong trò chơi mà bạn hoàn toàn có thể cùng với con mình xem, học hỏi và bàn luận sôi nổi với nhau. Cùng chơi một chút khi bạn rảnh, cùng xem một đoạn YouTube gameplay hay mấy cái trick/ tips ngầu ngầu trên mạng. Đồng hành cùng đi vào thế giới video game với bọn trẻ, bạn sẽ giúp chúng hiểu ra “À cuộc vui này mình cũng có bố mẹ đi cùng”. 

Cảm giác hiện diện trong sở thích của con sẽ giúp bạn có được nhiều mẩu trò chuyện tâm sự hơn với con, đồng thời dễ tác động vào chúng nhiều hơn khi đưa ra các kỷ luật chơi game tại nhà.

Đó là cách của mình. Cũng không tốn nhiều tâm sức lắm, nhưng tới giờ khá hiệu quả. Dĩ nhiên trong tương lai, khi con lớn hơn, mình sẽ phải dùng “chiêu” khác. Nhưng với mình, việc đầu tiên mình cần làm là đặt bản thân vào vị trí, suy nghĩ của con để hiểu thấu vì sao với chúng, những trò chơi này lại có sức hút tới vậy và làm cách nào để tự hạn chế lại ở mức cần thiết. Có vậy mới đặt ra các lề luật và yêu cầu phù hợp, thỏa đáng với trẻ.

Viết bình luận

Tên của bạn

Email của bạn

Nội dung

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên