Game sales ai cũng săn, nhưng rồi không chơi mấy, lý do vì sao?

Cứ tầm tháng 6-7 và những ngày trước Giáng Sinh, Black Friday, ta lại chứng kiến những cơn sales game đậm đà từ nhiều nhà phát triển lớn nhỏ trong tất cả mọi thể loại. Còn gì lý tưởng hơn để “đi săn” game? 

Xem thêm: DANH SÁCH PHỤ KIỆN TOÀN ĐEN ĐANG CÓ TẠI NSHOP 

Game sales ai cũng săn, nhưng rồi không chơi mấy, lý do vì sao?

Cách  tiêu dùng này xem ra đúng là hợp lý, giúp game thủ tiết kiệm không ít, hơn nữa hòa vào không khí náo nhiệt cùng bạn bè chơi game để săn và lùng game hay giá rẻ xem ra cũng là một quá trình vừa căng thẳng lại cực vui. 

Bằng chứng là không ít gamer có thói quen đổ hết hầu bao vào các đợt sales game hoành tráng kể trên. Nhưng liệu cách thức này có thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi? Nghĩa là bạn luôn tìm thấy “hàng ngon” với giá hời như bạn vẫn thường nghĩ? Và liệu sau chuyến đi săn, bạn có thật sự chơi con game mua được hay cho nó vào thư viện trò chơi rồi xếp xó ở đó chẳng bao giờ ngó đến? Bài chia sẻ sau đây bóc trần một số sự thật chứa đầy nghịch lý xung quanh thói quen mua game sales của nhiều game thủ.

Sự thật #1: Nhiều game cùng lúc không có thời gian chơi

Sự thật #1: Nhiều game cùng lúc không có thời gian chơi


Siêu game giảm giá 60%, 80%, thậm chí 90% nghe quá hấp dẫn phải không? Nên không lạ gì khi nhiều game thủ chăm chỉ cày bừa kiếm thật nhiều ngân lượng và chỉ chờ đến các đợt sales đậm để thả giàn tiêu xài.

Nào là Red Dead Redemption, Cyberpunk, God of War với cái giá không thể sinh viên hơn đã khiến chúng ta bị mờ mắt. Chúng ta cứ liên tục thức đêm săn lùng, bấm nút mua game liền liền lúc 2-3 giờ sáng, ra tiền cho những tên tuổi đã nghe nói từ rất lâu rồi nhưng chưa có dịp mua.

Thế nhưng sau chuyến săn rộn ràng kia, nhiều người trong số chúng ta lại chẳng mấy khi ngồi chơi lại chính những tựa game mình đã cất công mua trong đợt sales kia. Hoặc có chơi thì cũng mau chóng chán và bỏ qua xếp xó vào một góc. 
 

Nên không lạ gì khi nhiều game thủ chăm chỉ cày bừa kiếm thật nhiều ngân lượng


Nguyên nhân chính, theo kinh nghiệm bản thân mình, có lẽ nằm ở việc: Mua quá nhiều game cùng một thời điểm khiến bạn không có đủ thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm và thật sự trải lòng với tựa game. 

Như với một con game AAA chất lượng và thật sự hay đi, luôn yêu cầu bạn tốn hàng chục tới cả trăm giờ để khám phá và dần hiểu ra mọi chuyện. Mua quá nhiều game cùng lúc khiến bạn chẳng còn thời gian đâu mà chiêm nghiệm, từ từ thưởng thức nữa. Vừa chơi mà vừa nhấp nhổm kiểu không biết game này vầy rồi game kia nó có hay hơn không, như ngồi trên đống lửa thì chắc chắn không thả hồn đi đâu được.
 

Như với một con game AAA chất lượng và thật sự hay đi


Đó là chưa kể đến nhịp sinh hoạt đời thường, học tập, công việc, các mối quan hệ cũng có những đợt căng thẳng khó lường. Thế là thời gian dành cho các tựa game hay mới tậu với giá thật sự rẻ kia teo lại còn ít xíu, dẫn đến chúng nằm xó mà chẳng có cơ hội được trải nghiệm.

Sự thật #2: Game thấy hay lắm mà sao chơi nó khác thế?

Có rất nhiều tình huống thế này các bạn ạ. Trò chơi khủng, từ nhà phát triển tiếng tăm, con cưng của các trang bình luận game, cả khi bạn xem qua trailer, gameplay, review cốt truyện, chơi live trên YouTube rõ ràng là nó hay lắm. 
 

Sự thật #2: Game thấy hay lắm mà sao chơi nó khác thế?


Nhưng khi bạn mua về, trong đợt săn sales, mở ra chơi thì trải nghiệm lại không như ý. Không như ý là vì nó không hợp với lối chơi của bạn, hoặc đơn giản là nó không hay như ta nghĩ. Có nhiều lý do lắm: cốt truyện nghe qua hay nhưng gameplay không phải gu (Death Stranding là một ví dụ), hay game quá khó (Sekiro: Shadows Die Twice là ví dụ khác), hoặc diễn tiến quá chậm dù thời lượng chơi tổng cộng không phải quá nhiều (trường hợp của Atomic Heart). Và thế là dù cất công săn sales, cuối cùng đa phần game mua về vẫn nắm đó, không mấy khi được nhìn lại. 

Rõ ràng hiệu ứng đám đông đôi khi làm chúng ta lầm tưởng hoặc mong muốn có được, cùng với tâm lý sợ bị bỏ lỡ FOMO nữa. Các yếu tố này đã khiến nhiều người thẳng thừng xuống tay trong các đợt sales nhưng kết quả lại không chơi mấy. 

Sự thật #3: Siêu game mà mua được với giá rẻ thì tự nhiên cũng không còn thấy nó siêu nữa

Những siêu phẩm game bom tấn luôn được tung hê hết mức với cái giá ra mắt cao ngất ngưỡng, tự nhiên chúng trở thành những nỗi khao khát cháy bỏng. Theo thời gian độ nóng giảm dần, khao khát đó cũng giảm đi nhưng bạn vẫn tưởng mình mong muốn có nó thật nhiều. 
 

Sự thật #3: Siêu game mà mua được với giá rẻ thì tự nhiên cũng không còn thấy nó siêu nữa


Rồi thêm cái giá rẻ bất ngờ, khiến siêu phẩm “hàng hiệu” trở thành hàng phổ thông, ai cũng có thể có, hàng loạt. Cảm xúc này dội đến khiến bạn dù đã có trong tay một con game hàng khủng vẫn cảm thấy giá trị của nó đã giảm đi nhiều so với những ngày đầu. Tự nhiên không còn đánh giá cao, không còn hứng thú muốn khám phá bùng cháy nữa.

LỜI KẾT

Mỗi đợt giảm giá lớn trong năm, số lượng game khủng có giá bình dân có thể gọi là khá nhiều, đôi khi còn nhiều như nấm sau mưa. Tuy nhiên chỉ có vài tựa game trong đó là thật sự hợp với từng người chơi riêng biệt. Trừ phi bạn là người sưu tầm, hay người có thói quen mua game để lấp đầy sự trống vắng thì việc săn game sales rồi mua hàng loạt đôi khi không hẳn là một cách tiêu dùng tốt. Nhiều món tiền nhỏ được tiêu xài không đúng chỗ sẽ gộp thành một con số lãng phí lớn. 

Và với sự lãng phí này, sẽ hay hơn nếu bạn dành thêm thời gian để tìm hiểu và mua một con game đúng với sở thích của mình, sau đó thật sự dành thời gian chơi và thấu hiểu nó từ đầu tới cuối. 

Mua game sales cuối cùng là rất tốt, nhưng đó là trường hợp bạn thật sự có mục đích, xác định rõ thể loại phù hợp với mình, và mua game sales có chọn lọc. Hãy là một gamer sáng suốt để đưa ra các quyết định lý trí nhất, tránh mua game hàng loạt để rồi xếp xó không chơi, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng tới mood chơi game lâu dài.