Top 7 game Animal Crossing thấp đến cao

top 7 game animal crossing


Animal Crossing tuy không ra nhiều game nhưng đã là một trong những series rất mạnh, nhiều danh tiếng của Nintendo. Mỗi phần game chính đều dễ dàng lôi cuốn game thủ chơi từ năm này qua tháng khác nhờ tính chất thư thái mà không nhàm chán, đơn giản mà dễ thương của mình.



Sắp tới, Animal Crossing: New Horizons sẽ phát hành trên máy Nintendo Switch vào ngày 20/03/2020, hứa hẹn khiến các fan Nintendo bùng nổ mãnh liệt, đứng vào hàng bom tấn năm nay. Nhân dịp này, tại sao lại không xem lại những phần game Animal Crossing trước đây?

Xếp hạng game Animal Crossing

7. Animal Crossing: Amiibo Festival (Wii U)

Animal Crossing Amiibo Festival Wii U


Mở đầu danh sách là một tựa game spin-off (dòng phụ) của series Animal Crossing, sử dụng các amiibo dễ thương theo kiểu board game. Đây cũng là lần đầu tiên một game Animal Crossing bước chân lên nền đồ họa HD rực rỡ. Tuy vậy, nó lại không chiếm được nhiều cảm tình của các fan vì lối chơi lặp lại, tiết tấu quá chậm, nhanh chán.


Gần như tất cả các mini game trong Animal Crossing: Amiibo Festival đều không đủ hấp dẫn để giữ chân người chơi lâu dài. Điểm sáng lớn nhất của game có lẽ là được bán chung với amiibo Isabelle và Digby cực đẹp (vẫn đáng mua để sưu tập - link sản phẩm). Thật đáng tiếc cho lần chuyển hướng không thành công của Animal Crossing.

6. Animal Crossing: Happy Home Designer (3DS)

Animal Crossing Happy Home Designer 3DS


Tiếp tục là một phiên bản phụ khác, nhưng lần này là trên máy Nintendo 3DS (2DS) vào năm 2015, và thành công hơn nhiều so với Wii U. Animal Crossing: Happy Home Designer nối tiếp danh tiếng rực rỡ của bản New Leaf (cũng trên 3DS), nhưng tập trung vào khía cạnh sưu tập, sắp xếp, bài trí đồ đạc. Bạn sẽ làm nhà thiết kế nội thấy cho dân làng trong game.


Game dễ thương, nhẹ nhàng đúng với tiêu chuẩn của series Animal Crossing, chơi khá vui. Mặc dù vậy, Happy Home Designer vẫn chưa thu hút tới mức đạt được lượng giờ chơi siêu dài như các main game (game chính thống) có thể đem lại.

5. Animal Crossing: Pocket Camp (Mobile)

Animal Crossing Pocket Camp Mobile


Animal Crossing là một trong những series nặng ký, được Nintendo ưu ái phát hành cả trên điện thoại di động. Animal Crossing: Pocket Camp mang trải nghiệm Animal Crossing tới cho người dùng điện thoại khá tốt, cho dù bạn không bỏ tiền vào game vẫn có nhiều thứ để khám phá và thưởng thức. Điểm nổi bật nhất của trò chơi là cơ chế chế đồ, tạo ra các vật phẩm mới để trang trí cho khu nhà của mình đẹp hơn.


Thế nhưng, game di động không tránh khỏi nhiều hạn chế. Gameplay đơn giản nhưng tính lặp lại quá cao, dễ bị nhàm chán. Nếu bạn nạp tiền thì tính ra có khi còn nhiều hơn gấp mấy lần mua game trên máy console để chơi, mà nội dung còn không đa dạng bằng.

4. Animal Crossing: City Folk (Wii)

Animal Crossing City Folk Wii


Với tên phụ Let's Go to the City! (bên ngoài khu vực Bắc Mỹ), Animal Crossing: City Folk của máy Wii phát hành năm 2008 cho phép tới 4 người chơi có nhà riêng của mình trong một ngôi làng duy nhất, cũng như mang tới một thành phố cho game thủ tham thú. Nó không phải là một siêu đô thị đông đúc như trong các game MMO, nhưng đã mang lại nhiều niềm vui cho game thủ.


wii speak


Animal Crossing: City Folk còn tương thích Wii Speak, món phụ kiện microphone ít người biết của Wii, cho thấy ý muốn của Nintendo hướng đến việc cả gia đình cùng chơi. Một ý tưởng hay, nhưng các game thủ chơi đơn lại không mấy hưởng hứng kiểu tương tác này: chia sẻ chung một làng, để lại tin nhắn cho người khác. Dẫn tới game giống như một bản nâng đồ họa của Wild World (Nintendo DS) nhiều hơn, thiếu những phát kiến lớn mới, mà lại còn thiếu mất tính tiện lợi của phiên bản máy cầm tay.


Game không hề tệ, cũng chưa phải là quá tuyệt, nhưng nó không thêm gì nhiều vào cơ chế, đặc trưng cũ của series.

3. Animal Crossing (GameCube)

Animal Crossing GameCube


Animal Crossing thật ra được khai sinh từ tận thời máy Nintendo 64. Game được phát hành ở Nhật ngày 14/04/2001 với tên gốc Doubutsu no Mori (Animal Forest). Sau đó, máy N64 hết vòng đời, Nintendo đã nâng cấp bản Nhật và đưa lên máy GameCube trong cùng năm. Bản Nhật phát hành lại với tên Doubutsu no Mori+, còn bản quốc tế lấy tên Animal Crossing ra năm 2002.


gamecube kết nối gba


Phần game đầu tiên tạo nền tảng cho toàn series tốt đến mức cho đến tận ngày nay, sau gần hai thập kỷ những cơ chế, đặc trưng, và sự dễ thương của nó vẫn hữu dụng. Phiên bản của GameCube còn có cả tính năng kết nối với GBA, mở khóa game NES cực kỳ độc đáo khiến nhiều fan khẳng định chưa phần nào về sau vượt qua được nét cuốn hút của game đầu tiên.

2. Animal Crossing: Wild World (DS)

Animal Crossing Wild World DS


Lấy nền tảng cơ bản, rồi thêm những yếu tố ngọt ngào của khả năng di động, Animal Crossing: Wild World và Nintendo DS dường như sinh ra là dành cho nhau. Làng của bạn sẽ theo bạn tới mọi nơi, mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới cho game thủ, chăm sóc cho thế giới nhỏ của mình bất cứ lúc nào.


Tận dụng khả năng của màn hình cảm ứng và chu kỳ ngày đêm hiển thị rõ ở màn hình trên, nhiều người đã rơi vào bẫy tình của series từ đây. Có thể nói, danh tiếng của dòng game đã tăng lên bội phần qua phần game quá tuyệt hảo trên Nintendo DS.

1. Animal Crossing: New Leaf (3DS)

Animal Crossing New Leaf 3DS


Animal Crossing: New Leaf thừa hưởng mọi thứ từ người anh tiền nhiệm trên DS và mài dũa nó sáng bóng lung linh. Thay vì bắt đầu mọi thứ dưới ách thống trị của Tom Nook, New Leaf cho bạn trở thành thị trưởng nắm nhiều quyền lực để thay đổi cả thế giới, một thứ chưa từng có trước đây. Những thay đổi này còn tạo điều kiện hoàn hảo để giới thiệu nhân vật được nhiều người yêu mến, Isabelle - trợ lý của bạn.


Được tiếp sức với tính năng SpotPass của máy Nintendo 3DS, bạn có thể ghé thăm nhà của các game thủ mà bạn đã đi ngang qua và đặt mua đồ đặc trong đó nếu thích. Có thể game không phải là đồ họa HD rực rỡ, nhưng nét quyến rũ của New Leaf rất khó chối từ dù đã qua gần 8 năm. Phần mới Animal Crossing: New Horizons trên Nintendo Switch sẽ phải cố gắng nhiều để vượt qua cái bóng này đây.