Animal Crossing là gì? Điều gì khiến game Animal Crossing đặc biệt?

vì sao game animal crossing hay


Game Animal Crossing từ lâu đã là một tượng đài lớn của Nintendo, vô cùng được yêu thích. Khi một người chưa biết gì về Animal Crossing nhìn vào, họ thường thắc mắc game gì chỉ thấy đi qua đi lại, nhổ cỏ, lắc cây, vậy có vui không? Nhưng khi đã dính vào rồi thì rất khó để dứt ra khỏi Animal Crossing. Ma lực đó từ đâu đến? Sao nhiều người chơi Animal Crossing như vậy? Tất cả đều có lý do của nó, chúng ta hãy tìm hiểu sơ sơ qua về cái hay của series game lạ lùng này nhé.

Sự ra đời của một thương hiệu kỳ lạ

Chúng ta hầu hết đều nhớ Animal Crossing khởi nguồn từ máy GameCube năm 2002. Điều đó không hẳn sai, nhưng nếu đào sâu hơn thì thực chất series game này đã ra đời từ tận thời của Nintendo 64. Thật ra, năm 2001, Doubutsu no Mori (tên tiếng Nhật) đã ra mắt độc quyền cho máy Nintendo 64 ở Nhật. Tựa game này ban đầu là lên kế hoạch phát triển cho 64DD, nhưng sau đó được chuyển sang máy N64 cơ bản vì 64DD liên tục bị hoãn ngày phát hành. Băng game Animal Forest trên N64 có bộ tính giờ thời gian thực, thứ mà ngay cả bản thân máy N64 cũng không có.

nintendo 64DD

64DD là phụ kiện đọc đĩa từ cho Nintendo 64


Do Nintendo 64 đã đi đến giai đoạn cuối vòng đời, GameCube đã phát hành từ 2001, nên trong cùng năm Nintendo đã nâng cấp Doubutsu no Mori thành Doubutsu no Mori+ rồi đưa lên GameCube ở Nhật luôn. Phiên bản Doubutsu no Mori+ cũng được chuyển ngữ và phát hành cho khu vực Bắc Mỹ dưới cái tên Animal Crossing năm 2002. Một năm sau đó, 2003, Nhật Bản tiếp tục có riêng một phiên bản nâng cấp khác tên Doubutsu no Mori e+ trên GameCube.


Tổng cộng có 4 phiên bản Animal Crossing đầu tiên gồm:

  • Doubutsu no Mori, bản riêng của Nhật trên máy Nintendo 64.
  • Doubutsu no Mori+, bản nâng cấp riêng của Nhật, chuyển lên máy GameCube.
  • Animal Crossing, bản chuyển ngữ cho thị trường quốc tế, thực hiện từ bản Doubutsu no Mori+, phát hành trên GameCube.
  • Doubutsu no Mori e+, bản nâng cấp riêng của Nhật, phát hành trên GameCube.


Từ đó đến nay, đã có 7 tựa game Animal Crossing được tung ra (bao gồm cả các game spin-off). Sắp tới, phần game chính thống sẽ trở lại với tên gọi Animal Crossing: New Horizons trên máy Nintendo Switch vào ngày 20/03/2020.

Vì sao game Animal Crossing gây nghiện?

Gameplay cơ bản

nội thất Animal Crossing


Trong các game Animal Crossing, người chơi là nhân vật loài người duy nhất, còn lại tất cả đều là các loài động vật được nhân cách hóa. Game mô phỏng đời sống xã hội, có dạng kết mở, bạn không có nhiệm vụ cụ thể, mà hướng đến việc trải nghiệm thời gian sống trong làng với nhiều hoạt động khác nhau như thu thập vật phẩm, câu cá, hái hoa bắt bướm, trang trí nhà cửa, và tương tác với các nhân vật (động vật) khác.


Thời gian trong game là thời gian thực xác định theo lịch và đồng hồ của máy game. Tức là nếu bạn chỉnh đồng hồ trong máy đúng với thời gian thực tế bên ngoài thì 8h sáng ngày 4/12 mở game lên cũng là 8h sáng 4/12. Một số sự kiện trong game cũng được làm tương đồng với ngày lễ ngoài đời thật.


kiếm tiền trong game animal crossing


Một trong những điểm nổi bật của series game Animal Crossing là khả năng thu thập và tùy biến đa dạng. Để trang trí cho nhà mình, bạn có một số lượng khổng lồ hàng trăm mẫu đồ nội thất khác nhau, đủ phong cách từ cổ điển đến hiện đại, siêu thực để chọn lựa và bài trí. Hầu hết chúng có thể mua bằng Bell (đơn vị tiền tệ trong game). Để kiếm Bell bạn không cày sâu cuốc bẫm như Harvest Moon (Story of Seasons), hay đi làm như The Sims, mà chủ yếu là thu lượm những thứ xung quanh đem bán. Đó có thể là trái cây, vỏ sò, cá, côn trùng...


Không chỉ nội thất, nhân vật của người chơi cũng có thể thay đổi vẻ bề ngoài bằng vô số mẫu trang phục, thậm chí có phần còn cho bạn tự thiết kế hình ảnh trên áo rất độc đáo.

Tựa game không có thắng thua, thời lượng chơi vô tận

Animal Crossing chơi không bao giờ hết


Khi ai đó hỏi bạn: "Chơi game Animal Crossing có khó không, có dễ chết không?". Bạn có thể ngay lập tức trả lời "Không có chết, rất dễ". Nhưng khi câu hỏi là: "Chơi thắng game Animal Crossing chưa?" thì thật khó để trả lời. Thắng Animal Crossing là khi nào? Là khi sưu tập đủ hết mọi thứ trong game ư? Hay chơi đủ 1 năm là xong? Game Animal Crossing làm gì có kết thúc chứ, bạn cứ chơi cho đến khi mình không thể chơi nữa mà thôi.


Trong game Animal Crossing không có nhiệm vụ bắt buộc như kiểu phải giết quỷ vương, hay giải cứu thế giới. Mọi thứ là tùy vào người chơi. Bạn muốn xây nhà hoành tráng, ra sức kiếm tiền cũng được, mà hưởng thụ phong cách sống chậm, ngắm hoa nở rồi tàn cũng được. Nhóm phát triển game hướng đến tiêu chí tạo cho người chơi cảm giác "muốn làm" thay vì "phải làm" như các trò chơi thông thường khác. Vậy nên, mọi mục tiêu trong game đều không có yếu tố bị gò ép, dù bạn không làm gì thì cuộc sống trong game vẫn diễn ra. Dù sao Trái Đất vẫn quay, Mặt Trời vẫn mọc.

Animal Crossing - Thế giới nhỏ của riêng bạn

thế giới trong game Animal Crossing


Animal Crossing là game mô phỏng đời sống xã hội, và xã hội thu nhỏ trong game sẽ phản ánh bản thân bạn. Trải nghiệm của mỗi người trong Animal Crossing là hoàn toàn khác nhau. Có thể bạn thích bộ bàn ghế này và mua nó đặt trong nhà mình, nhưng người khác thì không. Bạn thích để cỏ mọc um tùm trong làng cho gần gũi thiên nhiên hoang dã, nhưng cũng có game thủ sẽ dọn sạch từng bụi cỏ mà họ nhìn thấy. Một thế giới nhỏ sẽ thay đổi vì bạn, một cộng đồng với phong cách riêng do bạn góp phần hình thành.


Theo thời gian nó dần tạo nên mối liên kết gắn bó người chơi với game khi được thấy thế giới của mình khác đi từng ngày. Đó chính là cái riêng mà mỗi game thủ có thể tạo ra cùng Animal Crossing.

Nhân vật, cái hồn của game Animal Crossing

nhân vật trong game animal crossing


Nếu số lượng vật phẩm khổng lồ là cái để người chơi có cái mới để khám phá trong thời gian dài, thì các nhân vật (máy - NPC) lại chính là thứ sẽ khiến bạn lưu luyến nhất. Giao tiếp là linh hồn của Animal Crossing. Một member Reddit từng tạm tính, số lượng chữ trong game Animal Crossing: New Leaf (3DS) còn nhiều hơn cả 7 truyện Harry Potter và Kinh Thánh cộng lại. Không chỉ vậy, các câu thoại của game cũng được chăm chút, viết sao cho nó nét riêng của từng nhân vật và cố gắng tạo cảm xúc cho người chơi.


Trang web Kotaku cũng từng hỏi đội ngũ của Nintendo rằng liệu có đáng không khi bỏ nhiều thời gian làm việc như vậy vào phần hội thoại, thứ mà thậm chí chưa chắc người ta đã đọc hết? Câu trả lời là hoàn toàn xứng đáng. Tất cả công sức đó là để tạo nên chiều sâu cho tương tác giữa người chơi với các nhân vật trong game, tái hiện lại một khả năng cơ bản và tối quan trọng của xã hội - Sự Giao Tiếp.


giao tiếp của game animal crossing


Game thủ có thể gặp những hội thoại khác nhau khi trải nghiệm game Animal Crossing, và nó tạo nên kỷ niệm của riêng họ với trò chơi. Thoại của game phần lớn khá giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu chứ không dài dòng lê thê như các game nhập vai bạn thường chơi, nên đọc không hề mệt.


Anh Kapp'n vừa chèo đò chở bạn, vừa hát về chuyện đời


Bên cạnh đó, tạo hình dễ thương của game mang lại thiện cảm lớn từ người chơi. Đây là một trong những thế mạnh của Nintendo, ít hãng nào bì được. Màu sắc rực rỡ mà không lòe loẹt, dị nhưng không ghê, chi tiết đa dạng, không nhân vật nào giống nhân vật nào, trẻ em thích, người lớn cũng yêu. 


Isabelle concept Animal Crossing New Leaf


Không chỉ có tạo hình khác biệt, tính cách, sở thích mỗi nhân vật của game Animal Crossing cũng không hề giống nhau. Lượng câu thoại lớn đã giúp khắc họa từng nhân vật sinh động. Dân làng về cơ bản là yêu mến bạn, họ có thể không thích vài điều về bạn, nhưng vẫn rất thân thiện, không có chuyện vì ghét mà lao vào quyết đấu. Những người dễ thương như vậy quý biết chừng nào. Đôi khi mở game lên chỉ để đi vòng quanh hỏi thăm hàng xóm, trò chuyện hai ba câu với những người bạn động vật của mình.


Một màn trình diễn của anh K.K. Slider


Thậm chí, nhiều nhân vật của game Animal Crossing rất nổi tiếng và được lòng các fan lắm nhé. Nhắc đến game, ai cũng nhớ tới Tom Nook ham tiền, chàng nhạc sĩ K.K. Slider tài năng, cô trợ lý đáng yêu Isabelle, và còn nhiều người khác nữa. Có được hàng loạt nhân vật in dấu vào lòng người như vậy chính là thành công lớn đối với một tựa game.

Càng lớn người ta càng thích chơi game Animal Crossing

Key Art Animal Crossing New Horizons


Một điều kì lạ là những tựa game mang tông màu rực rỡ của Nintendo tưởng chừng như nhắm đến đối tượng trẻ em lại được giới game thủ trưởng thành ủng hộ còn nhiều hơn. Nếu các bé nhỏ tuổi, chọn Animal Crossing vì nhiều đồ đẹp, tha hồ sưu tập, phối hợp, thì người chơi lớn tuổi hơn lại bị cái chất thư thái của game giữ chân. Vài phút bên trong thế giới của Animal Crossing, căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ làm việc, học tập dài dường như tan biến. Bạn hiểu rằng nơi đây mình an toàn, ung dung tận hưởng một cuộc sống bình dị bên cạnh bạn bè.


Cảm giác như ngồi ngắm ráng chiều ửng đỏ trên ban công sau nhà với gió thổi nhè nhẹ, để mặc đời trôi trong tiếng jazz chậm rãi, game Animal Crossing khiến người ta muốn tìm về những kỷ niệm ngọt ngào.


Có thể bạn quan tâm: Top 7 game Animal Crossing thấp đến cao