Với Switch 2, liệu Nintendo có duy trì được phong độ hàng tháng cho ra ít nhất một game không?
Nintendo Switch đã bước sang chín tuổi vào ngày 03 tháng 03 năm 2025 vừa qua, chính thức chạm doanh số hơn 150 triệu máy cùng vô số game bán cùng (cả bản kỹ thuật số và bản đĩa), mang lại hàng triệu đô la cho các bên.
Có thể bạn quan tâm: Top game Nintendo Switch hay nhất năm 2024 - Phần 1
Tới giờ, với sự thành công mỹ mãn của Switch, chắc cũng không ai còn nhớ về ván bài mạo hiểm mà Nintendo đã từng làm khi quyết định cho ra mắt Switch, một nền tảng chơi game hoàn toàn khác với những gì họ đã phát triển trước đó. Như Wii, 3DS. Thời đó, người ta bảo Nintendo giống như đang chơi một canh bạc cuộc đời, khi dồn hết trứng vào cái giỏ “Switch”.
Thực chất đằng sau hậu trường, đó cũng không phải bước đi quá rủi ro cho Nintendo. Bằng chứng là trong một chia sẻ với cánh báo chí, đại diện Nintendo cho biết lúc đó hãng đã có dữ trự sẵn một khoản tiền mặt khổng lồ, cùng với dây chuyền sản xuất máy chơi game thế hệ trước làm back up, phòng trường hợp Switch tung hàng và thất bại.
Thêm nữa Nintendo cũng khá tự tin vào một loạt các trò chơi danh tiếng và kho game ngày càng phát triển của mình, mà thời điểm đó, đúng là không bên nào có thể sánh lại được. Rồi còn có sản phẩm thương mại ăn theo game, tiền bản quyền các nhân vật game, phim ảnh, công viên giải trí Nintendo, chưa kể có thêm các dự án thử nghiệm tiềm năng trên thiết bị di động… Nhìn qua thì có vẻ bạo gan thật với màn tung Switch năm đó. Kỳ thực, Nintendo, đúng chất văn hóa Nhật, đã có rất nhiều phương án phòng ngừa cho mọi tình huống.
May mắn thay, Switch đã thành công vượt bậc, kéo dài vòng đời sản phẩm cho đến tận hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu suy suyển. Và khi Switch gần đi đến một thập kỷ, Nintendo đã quyết định tung ra thế hệ Switch tiếp theo - Switch 2.
Cũng như lần đầu tiên, không ít người cho rằng có thể đây là một bước đi sai lầm, khiến cho hệ máy Switch trở nên hỗn loạn, khó nhận dạng, cái sau sẽ ăn vào đuôi cái trước và dần mất đi chỗ đứng vốn có trên thị trường. Cũng có ý kiến ngược lại. Cho rằng Nintendo đang thực hiện chiến lược thông minh, không bao giờ dừng lại, lúc nào cũng tiến về phía trước và không cho người chơi có cơ hội ngoái lại nhìn về quá khứ, luôn tiến lên cùng bọn họ. Cải tiến là một quyết định khôn khéo vào thời điểm thị trường trò chơi đang tĩnh lặng, không có tin tức gì mới mẻ trong giai đoạn này.
Tranh luận này, chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng một trong những khía cạnh khiến nhiều người quan tâm khi càng gần đến sự kiện Nintendo Direct chính thức công bố về Switch 2, là liệu với thế hệ Switch mới này, trong kho trò chơi của mình, Nintendo rồi có duy trì được phong độ ổn định như đã làm với Switch đầu tiên: tung ra ít nhất một game mỗi tháng?
Cùng nhìn lại quá khứ một chút.
Switch đã có chiến lược đúng đắn khi tập hợp các người chơi vào một nền tảng duy nhất, bằng cách tập trung game mới, game indie, game khủng, game độc quyền, game bên thứ ba, bản port cho game từ các hệ máy Nintendo trước đó… vào một thư viện game duy nhất, mang tên Nintendo Switch eShop. Và kể từ đó, Nintendo đã đạt được cam kết với người dùng, rằng mỗi tháng sẽ có ít nhất một trò chơi mới xuất hiện trong kho game Switch.
Với chiến lược này. Đặc biệt cùng khả năng tương thích ngược đang ráo riết được hoàn hảo hóa cho Switch 2, câu trả lời nhiều phần là CÓ.
Giờ nếu bạn nghe một câu tuyên bố đại loạn “game do bên thứ nhất phát hành, mỗi tháng một game”, bạn sẽ nghĩ ồ đâu có gì đáng ngạc nhiên đâu. Chỉ cần làm ra game và đặt nó vào một nền tảng đang thành công là được.
Nhưng nghĩ kỹ lại chút nhé. Một tháng, có nghĩa là Nintendo đã đưa ra cam kết “phát hành trọn vẹn cho một trò chơi đã đi qua toàn bộ các khâu phát triển, testing cần thiết chỉ sau mỗi 4 hoặc tối đa 5 tuần”, đó không phải là chuyện nhỏ đâu.
AI không làm gì được nếu ai đó thật sự muốn tạo ra một trò chơi mang kỳ tích hoặc đáng để người chơi dừng lại thưởng thức hàng giờ giữa một rừng các trò chơi mới. Nhưng cho đến nay, trải qua 9 năm dài, Nintendo đã làm được cam kết đó. Rõ ràng có thể thấy họ đang sở hữu một quy trình phát triển trò chơi hiệu quả và mọi quan hệ đối tác xung quanh Nintendo đang diễn ra rất tốt.
Hẳn điều này cũng khiến hai ông lớn còn lại trong ngành (Sony và Microsoft) rất ghen tị. Vì bản thân hai bên này cũng đã phải vật lộn trong nhiều năm để giúp các trò chơi bên thứ nhất thành công đến tay người chơi. Trong khi đó, Nintendo lại liên tục tung ra các trò chơi được yêu thích, mang về doanh số hàng triệu bản mỗi năm.
Thêm vào đó, đối thủ cạnh tranh chính của Nintendo cũng gặp không ít trở ngại ở một số khía cạnh khác. Như quy mô nguồn lực cần thiết để sản xuất game và các dự án game chất lượng cho máy PS5 rõ ràng phải cầu kỳ, phức tạp, công nghệ cao hơn đáng kể so với Switch.
Ý ở đây không phải là nói game Switch làm ra không đòi hỏi sự phức tạp hay công nghệ, nhưng để đáp ứng được một máy chơi game phần cứng xử lý vừa tầm như Switch, một trò chơi sẽ dựa nhiều vào sự mới lạ, ý tưởng sáng tạo, lối chơi nhiều hơn là sống bằng công nghệ. Khả năng xử lý trung bình của Switch cũng kéo theo kỳ vọng trung bình tương ứng nơi người chơi về mặt hình ảnh cầu kỳ và công nghệ cao cấp. Người ta kỳ vọng vừa phải, nên người ta dễ hài lòng. Trong khi đó, mức kỳ vọng sẽ trội hơn hẳn khi nói về game trên PS5 hay Xbox Series. Điều này gây không ít khó khăn cho khâu phát triển trò chơi bên thứ nhất ở cả Sony lẫn Microsoft.
Chuyện này dẫn đến hệ quả tất nhiên: Sony và Microsoft hầu như rất chật vật, không có đủ thời gian và nguồn lực cho các thử nghiệm trò chơi kỳ quặc. Thay vào đó, hai bên này đa phần dựa vào các trò chơi bom tấn, hoặc đã từng thành công trong quá khứ.
Nintendo, ở mảng này, lại có khả năng duy trì một kho game đa dạng, từ bên thứ nhất, bên thứ ba. Và họ không từ chối bất kỳ ý tưởng thử nghiệm trò chơi mới mẻ nào, để đạt được mục tiêu: luôn sáng tạo, luôn phát triển.
Ví dụ nhé: ARMS và Game Builder Garage có thể không thành công như Splatoon, nhưng trong báo cáo tài chính gần đây nhất của Nintendo, hai trò kỳ lạ này đã bán được hơn 2,6 triệu và 1,06 triệu bản.
Nếu so sánh với Spider-Man 2 đạt doanh số 11 triệu bản tính đến tháng 5 năm 2024, con số này hai chấm mấy, một chấm mấy kể trên chẳng đáng là gì. Nhưng quan trọng là hai trò mang tính thử nghiệm kia được tạo ra không với kỳ vọng mang về lãi cho hãng. Chủ yếu là họ muốn thể nghiệm một kết cấu mới, đồng thời bổ sung thêm cho tính phong phú của thư viện trò chơi. Và thử tưởng tượng nếu bạn có chừng chục thử nghiệm dạng này thành công, con số cuối cùng thu về chẳng phải hơn hẳn cả một trò bom tấn sao.
Thực tế cũng đã chứng minh, tác dụng của các thử nghiệm này không chỉ nằm ở con số. Chúng còn mang lại lợi ích đường dài trong việc tạo dựng hình ảnh kho game Nintendo Switch nói riêng và Nintendo nói chung. Hiện giờ có thể nói độ phong phú đa dạng của trò chơi trên thư viện Nintendo Switch eshop là thứ bạn không thể nào tìm thấy nơi các thư viện trò chơi của nền tảng chơi game khác. Chắc chắn là không.
Đứng trước sự thật này, Sony và Microsoft đã chọn cách thoái vốn ra khỏi các nguồn phát triển nhỏ, để tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, đảm bảo mang lại thành công nổi bật, với tiềm năng ít nhất là phải hòa vốn. Họ đã làm việc cật lực trên cả việc phát triển ra các công nghệ tiên tiến, và làm ra những câu chuyện khổng lồ, lựa chọn theo đuổi chiến thắng lớn, vang dội. Và tác dụng phụ đương nhiên sẽ là có rất ít trò chơi độc quyền được phát hành mỗi năm.
Tất nhiên, những khó khăn đối thủ đang gặp phải, hay nền tảng vững chắc đang có trên Switch cũng không thể chắc chắn 100% là với Switch 2, Nintendo vẫn có thể duy trì nhịp độ cho ra game mới hàng tháng, như đã và đang làm với Switch. Nhưng khả năng cao, Nintendo sẽ vẫn đạt được mục tiêu này, bất chấp nhiều thách thức phía trước.
Giờ nhìn về tiềm năng game sẽ có cho Switch 2. Game Wii nổi bật gần như đã cạn. Đa phần các trò chơi lớn, nổi tiếng từ nền tảng này đều đã được chuyển sang hết cho Switch trong thời gian qua. Nhưng nhìn kỹ hơn, Wii vẫn còn rất nhiều trò chơi, tuy không có danh tiếng lớn bằng các trò như Wind Waker và Twilight Princess, nhưng đều là tác phẩm trò chơi chất lượng, giá trị, và quan trọng là vẫn chưa có trên Switch. Như một số phần của Metroid Primes, vài bản port 3DS Luigi's Mansion 2 HD. Tương lai sẽ còn khá nhiều bản HD và bản Deluxe từ kho trò chơi Wii quá khứ này, đủ để lấp đầy khoảng trống giữa các bản phát hành game mới toanh từ bên thứ nhất.
Về việc này, nhiều người cho rằng các bản làm lại, remaster, remake hay HD, Deluxe các thứ mà Nintendo tung ra cho Switch vài năm gần đây dường như phần lớn đều là do các studio đối tác bên ngoài làm ra. Còn bản thân đội nhóm Nintendo có vẻ như đang dồn sự tập trung cho các dự án khác. Chuyện này xảy ra trong thời gian khá dài. Không ít người tỏ hơi thất vọng khi biết được sự thật đằng sau hậu trường.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan. Trong khi các đối thủ lựa chọn hướng tập trung chiến lược vào trò chơi bom tấn, thì việc Nintendo chọn tập trung đội nhóm chính của mình vào việc phát triển các dự án độc quyền hoàn toàn mới cũng là điều dễ hiểu. Thêm nữa, cho tới khi nào các trò chơi làm lại hay lấy từ các hệ máy cũ này, còn đảm bảo chất lượng, duy trì được cốt lõi tính hấp dẫn của game gốc, đồng thời có thêm nhiều cải tiến hay ho, thì chừng đó, với người hâm mộ, vẫn không có vấn đề gì xảy ra cả. Cuối cùng, thứ chúng ta quan tâm chính là chất lượng của máy chơi game đang cầm trên tay và chất lượng của video game đang chơi, chứ không phải là ai đã trực tiếp làm ra nó trong nội bộ.
Từ các dữ kiện kể trên, có thể thấy Nintendo đang có nhiều bước chuẩn bị chặt chẽ, mang tính chiến lược từ bên ngoài và cả bên trong, cho màn ra mắt chính thức của Nintendo Switch 2, cũng như mục tiêu định kỳ phát hành game độc quyền hàng tháng, ít nhất là trong năm đầu tiên phát hành Switch 2. Còn bạn, bạn có cho rằng Nintendo sẽ làm được cam kết này không? Trong năm đầu của Switch 2 và cả nhiều năm về sau?
Sản phẩm mới
Bàn phím cơ Zifriend S82 Hotswap Trắng Xanh Biển
1,090,000 ₫
Pokemon Moncolle Primal Kyogre
519,000 ₫
Pokemon Moncolle Primal Groudon
519,000 ₫
Viết bình luận