Game cũ mà hay - Phân tích thành công của NES Mini và thất bại của Playstation Classic

Game cũ mà hay, cụm từ được nhiều người tìm kiếm nhất trên Google. Ngay cả bản thân người viết cũng thi thoảng bấm tìm xem có tựa nào lâu rồi mình không chơi, bỏ sót không để lôi ra lại nghiền ngẫm những lúc thấy chán ngán các tựa game bom tấn nhưng không hợp gu mình.


Game cũ mà hay


Vậy có bao giờ bạn tự hỏi rằng có tiêu chí nào đặt ra cho các game cũ mà hay đó không? Hôm nay, chúng ta thử phân tích thành công của NES Mini (Điện tử bốn nút) và thất bại của Playstation Classic để xem thử rằng có phải game nào được đánh giá cao và "cũ" theo năm tháng thì đều được xếp vào game cũ mà hay hay không nhé!

Game cũ mà hay là gì? PC World chuyên mục game lần đầu định nghĩa

Game cũ mà hay đầu tiên xuất hiện trong tiềm thức của người chơi thông qua tạp chí PC World chuyên mục game vào những năm thập niên 90. Khi đó ngành game mới bắt đầu phát triển và với sự xuất hiện của các trào lưu game 3D. Đi mua game bạn cần phải hỏi: "Game này có cần card 3D không chị ơi?" để chắc chắc chiếc vi tính cà tàng nhà mình chơi được. 


game cũ mà hay swat 2 pc


Do cấu hình máy tính mỗi nhà mỗi khác và điều kiện kinh tế Việt Nam lúc đó không cho phép người ta nâng cấp PC khủng liên tục như hiện tại nên tạp chí PC World Việt Nam mảng Game lúc bấy giờ thảo ra chuyên đề "Game cũ mà hay". Đây là tập hợp những tựa game được đánh giá hay, nhưng yêu cầu cấu hình PC nhẹ để đáp ứng hầu hết các máy tính có sẵn tại nhà bạn đọc.


Những trò chơi như Commandos, Pharaoh, Swat 2... được liệt kê vào danh sách đó. Dần có một số thành phần đọc giả xem tạp chí và tìm tòi có "game cũ mà hay" nào mình chưa chơi hay không để mua về chơi thay vì chạy đua cấu hình card đồ họa như hiện giờ.

Nintendo định nghĩa lại "Game cũ mà hay" lần nữa chính xác hơn

Trở lại hiện tại, thời đại công nghệ phát triển vũ bão và kinh tế Việt Nam phát triển tương đối. Bạn dễ dàng mua sắm cho mình một chiếc Nintendo Switch hay máy PS4 Pro chơi game 4K. Build một dàn PC vài chục triệu để vài tháng sau chán chê lại nâng cấp cấu hình thêm. Ý nghĩa của "game cũ mà hay" không còn tồn tại bởi giá trị phần cứng nhẹ đã không còn quá quan trọng nữa.


nes classic nintendo


Thế mà vào ngày 10 tháng 11 năm 2016 - Nintendo lại tung ra một chiếc máy chơi game mới xác lập kỷ lục "Máy chơi game yếu nhất thế giới tại thời điểm ra mắt" mang tên Nintendo Entertainment System: NES Classic Edition. Máy chỉ chơi được duy nhất 30 trò cũ rích của Nintendo hồi nẫm (Điện tử băng - điện tử bốn nút). Phải chăng Nintendo "điên"? Không! Thành công doanh số của máy NES Mini đã cho thấy trào lưu hòa cổ, tìm chơi lại các trò chơi hay ho thời tuổi thơ của game thủ rất mạnh mẽ...

Playstation Classic chạy theo nhưng vấp ngã

Sony luôn là đối trọng của Nintendo trong ngành công nghiệp game này. Bất cứ động thái nào của Nintendo thì Sony đều không bỏ lỡ. Thành công của NES Mini rồi đến SNES Mini nữa khiến Sony đứng ngồi không yên. Liệu bát cơm vàng này có nên bỏ qua? Chỉ là phát hành một máy chơi game cấu hình thấp, chạy giả lập các tựa game cũ sẵn có của mình vậy là sẵn sàng lụm xu. Qua dễ dàng phải không? 


Playstation Classic Sony Việt Nam

Nintendo làm được thì Sony làm được nhé! Không bàn cãi!


Không đâu! Thất bại của máy Playstation Classic đánh lên hồi chuông xua tan ảo tưởng về sự dễ tính của game thủ ngày nay. Không phải game nào hay mà cũ cũng đều là game cũ mà hay. Khái niệm đó giờ đã được định hình lại bởi sự phổ cập của game cấu hình cao. Lúc này đây, bạn sẽ thấy được một điều mà Nintendo nhận ra 3 năm về trước:


  • Những tựa game 2D luôn bền vững theo thời gian bởi nhân tố tạo nên sự hấp dẫn thời đó là gameplay - giá trị cốt lõi. 


Ngày xửa ngày xưa, chúng ta chơi game chỉ để giải trí. Chơi game để khám phá những cái mới lạ, để giải những câu đố hóc búa, để thể hiện sự khéo léo của mình so với bạn bè. Các nhà phát triển game sẽ suy nghĩ làm sao để game của mình mới lạ và cuốn hút người chơi nhiều hơn. 


game cũ mà hay nhưng khó lòng chơi lại

Ôi thôi, hãy để quá khứ ngủ yên...


Ngày nảy ngày nay, trò chơi điện tử đã khác rất nhiều so với ngày xửa ngày xưa đó. Một số nhà phát triển game đã quá tập trung vào đến cả từng... hạt bụi trong game để mang lại cảm giác thỏa mãn thị lực người chơi. Bắt đầu chính là PS1 của Sony đem đến cuộc cách mạng game 3D. Sau đó là PS2 với đồ họa đỉnh cao hơn nữa. Tiếp đến PS3 nâng cấp tầm HD cho game thủ và PS4 là 4K. 


đồ họa Final Fantasy 15

Game giờ đây đồ họa không khác mấy đời thực...


Chính Sony đã tạo ra "thế khó" cho mình khi chạy miết theo cấu hình. Điều này không có gì sai, công nghệ mà. Công nghệ thì phải luôn phát triển. Nó chỉ sai khi hãng phát hành ra PS1 Classic. Bạn vốn đã quen với những trò chơi chân thật hoa mỹ, bạn sẽ sốc khi nhìn lại những khối vuông 3D cục mịch ở thời kỳ đầu. Công nghệ là thế, luôn phủ phàng. Một Final Fantasy 7 đỉnh cao bạn từng chơi 5 lần 7 lượt năm đó giờ đây có thể chỉ chưa đầy 15p bạn đã tắt game.



Như vậy, game cũ mà hay chính là những tựa game mà thật sự tập trung vào gameplay. Không phải lấy yếu tố đồ họa ra để "khè" game thủ. Các trò chơi điện tử băng NES và SNES chính là điển hình. Mario, Yoshi, Kirby, Donkey Kong hay Fire Emblem... vẫn sống mãi trong lòng game thủ. Trong khi tựa game đỉnh cao từng đạt 10/10 như Final Fantasy 7 cần phải "remake" lại toàn bộ đồ họa thì mới có thể được hưởng ứng. 


Yếu tố này làm cho các tựa game Nintendo Switch cũng phần nào bỏ qua tập trung đồ họa mà đi sâu vào gameplay mới lạ. Công nghệ chỉ là phần nàp đó hỗ trợ cho game. Nhân tố con người, suy nghĩ, cách chơi, sáng tạo vẫn tạo nên cốt lõi của một game evergreen của Nintendo (Xem thêm <Game EverGreen là gì>).


> Xem thêm: Chia sẻ 99 game điện tử bốn nút (NES) trên trên Nintendo 2DS và 3DS



Viết bình luận

Tên của bạn

Email của bạn

Nội dung

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên