Trở thành game thủ “sành điệu” với Từ điển Thuật ngữ Game console(Phần 2)

Tiếp theo phần đầu của Từ điển Thuật ngữ game trước, sau khi bạn đã nắm được sơ sơ các khái niệm về Free-to-Play (F2P) là gì? Battle Royal là gì? Và đã gần như hết trở thành game thủ hạng noob, nhưng muốn "xịn xò" hơn thì phải đọc hết Từ điển Thuật ngữ Game này nếu bạn mới chập chững bước vào thế giới game.

thuat ngu nganh game phan 2

Ở phần hai này chúng ta sẽ tìm hiểu về Open World là gì? Vì sao ngày càng nhiều nhà phát triển game đi theo mô hình open world? Những khái niệm này rất là hiện đại, rất là "cách mạng công nghệ 4.0", mà ngay cả những game thủ chúng ta cũng phải nhanh chóng cập nhật mỗi ngày đó nha.

Hãy ghim bài viết của nShop ngay vào mục Favourite để có thể dò Từ điển Thuật ngữ game ngay lập tức để bạn có thể thoải mái hơn trong việc đối đáp với những game thủ khác nè.

  • Macro: Là một công cụ có thể giúp chạy tự động một dòng lệnh hành động trong game. Trong thể loại RPG game thủ hay dùng macro để chế tạo liên tục một loại vật phẩm nào đó. Còn trong game bắn súng thì macro gần như bị coi là hành vi gian lận.
  • Magic points (MP): Giống với hitpoints (HP). Lượng MP quyết định một nhân vật có thể sử dụng phép thuật hay không. Thông thường MP có thể được bổ sung bằng cách sử dụng năng lượng mana.
  • Mana: Thường dùng trong những tựa game có yếu tố giả tưởng. Thuật ngữ game Mana là một nguồn năng lượng ma thuật để thi triển phép thuật, hết mana thì sẽ không bắn phép được. Thuật ngữ game này thường thấy trong dòng game Mana. Có thể bạn muốn xem qua những ARPG game giống dòng Mana trên Nintendo Switch
  • Matchmaking: Hệ thống sảnh chờ của những tựa game có nhiều người chơi. Cho phép tìm kiếm trận đấu với những người chơi cùng trình độ hoặc đơn giản là kiểm đủ người cho trận đấu của mình. Điển hình là Ninjala hay Tetris 99.
  • Melee: Là thuật ngữ game chỉ vũ khí cận chiến, hoặc một dạng chiến đấu mà bắt buộc bạn phải áp sát đối phương mới có thể tấn công được, khi đánh nhau dùng tay không hay vũ khí đều được. Thuật ngữ này do dòng Super Smash Bros sáng tạo ra.

  • Microtransaction: Chỉ những giao dịch sử dụng tiền thật để đổi vật phẩm ảo trong game.
  • Mini-boss: Chỉ kiểu trùm phụ, trùm yếu chứ không phải là trùm bự, mạnh hơn kẻ địch bình thường và yếu hơn boss. Thể loại này hay xuất hiện trong những tựa game RPG khi mini boss thường “lưỡng long nhất thể” thành trùm cuối luôn.
  • MMO: Thuật ngữ game nói về loại trò chơi trực tuyến nhiều người chơi. World of Warcraft có hơn bảy triệu người chơi thông qua kết nối Internet.
  • MMORPG: Thuật ngữ game về trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi. Những trò chơi này có chứa các yếu tố RPG. Người chơi có thể tùy thích xây dựng nhân vật, tập trung vào các kỹ năng và thậm chí là các đặc điểm tính cách mà họ muốn thể hiện.
  • Modding (mod): Thuật ngữ game dùng để chỉ việc sửa đổi hoặc thay đổi một thứ gì đó trong trò chơi, có thể là bất cứ thứ gì từ thao tác đơn giản như phối màu đến làm lại hoàn chỉnh nguyên game, tất nhiên là không được phép
  • Motion Capture (MOCAP): Bắt chuyển động nhân vật. Đây là một quá trình diễn xuất/hành động của một diễn viên người thật, được gắn những thiết bị quay phim để ghi lại chuyển động, biểu cảm và được chuyển hoá thành nhân vật trong game cụ thể để cho nhân vật trong game có những chuyển động mượt mà và giống thật nhất. Diễn viên Norman Reedus nổi tiếng với những vai diễn motion capture trong Death Stranding.

  • New Game Plus: Nhiều tựa game khi đã hoàn thành cốt truyện chính sẽ mở ra một chế độ chơi khác, vẫn cốt truyện cũ nhưng sẽ khó hơn nhiều. Vẫn những con quái vật đó nhưng chúng sẽ trâu bò hơn, máu nhiều hơn.
  • Noob (N00b): Là cách gọi tắt của "Newbie", thuật ngữ game chỉ những người mới chơi, không có kinh nghiệm chiến trường gì cả.
  • Next-gen Console (next generation console): Thuật ngữ game dùng để chỉ các máy chơi game thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như PlayStation 5 hay Nintendo Switch
  • NPC (Non Player Character): Đây là những người trong game nhưng không phải do con người điều khiển, hay còn gọi là “máy”. Họ thỉnh thoảng để lạc mất thú cưng và nhờ bạn đi tìm hộ. Thỉnh thoảng lại bán phế liệu cho bạn với giá cắt cổ hoặc phát biểu những câu rất "để đời". Trong một số trò chơi cổ điển hoặc trên PC thì còn được gọi là CPU.

Non Player Character pokemon

  • Open World: Thuật ngữ game chỉ những tựa game thế giới mở, game cho phép bạn khám phá thế giới trong game thoải mái ngoài phần cốt truyện chính và không chia ra làm nhiều màn chơi cụ thể, người chơi thích đi lung tung hay giết luôn trùm cuối ngay từ đầu cũng được.
  • Patch: Một bản cập nhật, hoặc gọi là bản vá. Thường có những cập nhật mới về nhân vật, vũ khí, trang phục, bản đồ... Tất cả những gì mới trong game, hoặc chỉ cập nhật để sửa lỗi.
  • Party (team): Một nhóm người chơi làm việc cùng nhau. Thông thường, người chơi phải “tham gia nhóm” theo cách thủ công là mở máy ra nhập mã bạn bè vô hoặc được mời tham gia, một nhóm thường có kênh trò chuyện riêng.
  • PC (Personal Computer): Trong chơi game, cũng như những nơi khác. Chơi game trên PC khác với chơi game trên Console hay Mobile ở một số điểm, mặc dù bản thân nhiều trò chơi được xây dựng cho tất cả các nền tảng.

Personal Computer gaming

  • Persistence: Thuật ngữ game chỉ một hành động của nhân vật để lại hậu quả lâu dài trong game. Ví dụ như bạn phá một tòa nhà trong game mà nó không hồi lại trạng thái cũ như ban đầu khi bạn thoát ra rồi vào lại thì đó là hiệu lực vĩnh viễn.
  • Persistent World: Thế giới trong game vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi bạn không tương tác với chúng, rất hay gặp trong những game nông trại và game mô phỏng. Thực tế nếu bạn không chơi Animal Crossing trong một thời gian dài thì ngôi nhà của bạn lẫn dân làng đều thay đổi rất nhiều khi bạn quay lại.
  • Ping: Là đơn vị đo độ trễ mạng trong game, tính bằng thời gian gửi thông điệp từ máy bạn đến máy chủ đang kết nối và ngược lại. Nếu ping càng cao thì sẽ càng gây ra ức chế cho người chơi vì sẽ bị lag.
  • Player Character: Nhân vật người chơi điều khiển trong game. Nhân vật sẽ phải đi theo cốt truyện và chọn class.

Player Character game console

  • PK: Thuật ngữ game để chỉ hành động người chơi giết một người chơi khác trong một trận đấu trực tuyến.
  • Potion: Hay còn gọi là "thuốc". Thuốc thông thường bao gồm sức khỏe, năng lượng, sức chịu đựng và các loại thuốc giải độc hoặc thuốc khác nhau để hỗ trợ buff tạm thời.
  • Port: Đây là thuật ngữ game được sử dụng khi video game được thiết kế để chạy trên một nền tảng khác, có thể là game arcade, video game console, hay PC. Port được hiểu nôm na là khi các nhà phát hành game phát triển sản phẩm của mình từ hệ thống ban đầu sang một nền tảng mới. Port hiện nay đã dần phổ biến hơn khi công nghệ ngày càng phát triển. Hiện nay, game thủ đã có thể chơi game trên nhiều nền tảng khác nhau như: Play Station, Nintendo, PC, và thậm chí là các thiết bị di động. Một ví dụ về một bản port là "Ni No Kuni: Wrath of the White Witch" được chuyển từ PS3 sang Nintendo Switch hay The Witcher 3.

  • Prequel: Hay còn gọi là Tiền truyện, trong khi nội dung của sequel xảy ra ngay sau tựa game gốc để tiếp tục câu chuyện, thì prequel diễn ra trước đó để phát triển backstory. Prequel sẽ giúp người chơi tìm hiểu rõ hơn về những nhân vật và cốt truyện ban đầu phát sinh ra tựa game chính. Silent Hill: Origins chính là prequel của Silent Hill (1999)
  • PvE (Player vs Environment): Khi người chơi tấn công những nhân vật không được những người chơi khác điều khiển thì gọi là combat PvE.
  • PvP (Player vs Player): Thuật ngữ chỉ người chơi đấu tay đôi với những người chơi online khác.
  • Quest: Thuật ngữ game chỉ nhiệm vụ, liên quan đến việc nhận và trả. Đánh sấp mặt mấy con thú cưng của tay hàng xóm xấu tính hay mặc đầm nhảy múa? Nó cũng là một Quest.

game Quest final fantasy 7 remake

  • Quick Time Event: Viết tắt là QTE, một thuật ngữ chỉ hành động trong game nhằm thử thách phản xạ của người chơi, bằng cách hiển thị nút bấm mà người chơi phải bấm nhanh để nhân vật thực hiện hành động trong một khoảng thời gian ngắn. Suzuki Yū đã sáng tạo ra thuật ngữ game này cho đứa con cưng Shenmue của ông.
  • Ranged: Thuật ngữ game chỉ những vũ khí, hoặc đòn tấn công từ tầm xa. Cung Thủ trong game cũng được gọi là Range, hoặc cung hoặc nỏ, hay phép chưởng từ xa cũng được gọi là Ranged.
  • Reboot: Có nghĩa là tái khởi động. Một sản phẩm sẽ được làm lại mà không cần phải tuân theo một cốt truyện, nhân vật mà trước đó nó đã xây dựng nên. Việc reboot lại một tựa game góp phần tạo cho game thủ có một cảm giác mới mẻ, hứng thú trên một câu chuyện hoàn toàn khác với những chất liệu đã quen thuộc từ rất lâu. Có thể, một bản reboot sẽ khiến tựa game đó hợp thời hơn, dễ gần hơn và thậm chí là tạo một bước nhảy vọt. Một ví dụ điển hình về reboot chính là tựa game Tomb Raider với 3 phần reboot liên tiếp thay đổi hoàn toàn từ tạo hình nhân vật cho đến lối chơi so với Tomb Raider gốc.

  • Remake: Bản dựng lại của một tựa game nào đó để cập nhật thêm các hệ thống hay hình ảnh hiện đại hơn. Các bản remake thường cố gắng trung thành với bản gốc nhất có thể. Một ví dụ về bản remake là "Crash Bandicoot N Sane Trilogy" hay Final Fantasy VII. Đây là một khái niệm khá dễ nhầm lẫn với remaster. Click vào đây để đọc thêm về Game Remastered và Remake khác nhau điểm nào
  • Remaster: Là một loại hình tái bản các sản phẩm của các hàng phát hành game với phiên bản tối ưu hơn. Các nhà phát hành game sẽ phát triển những tựa game cũ của mình trên các hệ máy mới và cho hiệu suất tốt hơn rõ rệt. Họ sẽ chỉ tác động để cải thiện kết cấu và khung hình song song với việc cố gắng giữ cho game gần như nguyên vẹn. Thường thì họ làm điều đó bằng cách cố gắng sử dụng càng nhiều mã gốc càng tốt. Để nâng cao trải nghiệm và tối ưu hóa, các nhà phát hành game hoàn toàn có thể cân nhắc việc bổ sung một số DLC. Một ví dụ về bản remastered là Final Fantasy X và X-2 hay God of War III cho PS4.
  • Retro Gaming: Chơi lại các tựa game cổ điển. Điển hình là game thùng hay điện tử 4 nút
  • Season Pass: nhà phát triển sẽ tung ra những bản bổ sung siêu siêu nhỏ này để thuyết phục bạn là bạn phải cần nó mới thưởng thức được trọn vẹn cái hồn của game. Hãy click vào đây để tìm hiểu thêm về Season Pass

Season Pass la gi trong game

  • Sandbox game: Thuật ngữ chỉ thể loại game thế giới mở những không có mục tiêu rõ ràng để người chơi thực hiện. Ví dụ điển hình nhất cho dòng game này là Minecraft.
  • Sequel: Hay còn gọi là hậu truyện, phần nối tiếp của tựa game trước. Người chơi có thể sẽ gặp lại hầu hết (hoặc tất cả) những nhân vật cũ tiếp tục thể hiện cá tính quen thuộc của họ, và thông thường thì sequel sẽ có cùng đội ngũ sáng tạo với phần trước đó. Bravely Second: End Layer chính là Sequel của Bravely Default
  • Shovelware: Thuật ngữ chỉ một phần mềm máy tính bắt buộc phải cài đặt để chơi một tựa game nào đó. Ví dụ Garena chính là một shovelware bắt buộc phải có nếu bạn muốn chơi FIFA Online, hay bạn phải cài Steam để chơi Dota 2 hoặc CS:GO vậy.
  • Side-Quest: Thuật ngữ game chỉ nhiệm vụ phụ, giống với Quest, nhưng thường là nhỏ và tào lao hơn nên không cần làm cũng không ảnh hưởng đến cốt truyện.
  • Single-Player: Thuật ngữ game chỉ những game hoặc chế độ chỉ chơi được 1 người mà thôi, trái ngược với những tựa game multi sẽ có nhiều người chơi cùng lúc.

  • Speedrun: Chỉ một dạng thử thách cho người chơi khi cố hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách nhanh chóng. Gọi là Speedrunner, họ thường tận dụng những lỗi của game để hoàn thành phần chơi của mình một cách nhanh và dễ nhất.
  • Spin-off: Nghĩa là “riêng lẻ. Trong một game, không phải lúc nào nhân vật chính cũng được người chơi yêu thích nhất, mà thỉnh thoảng sẽ bị một nhân vật phụ “vượt mặt”. Khi đó, studio có thể chuyển hướng phát triển của franchise nếu cảm thấy sẽ hút được nhiều máu hơn. Nhờ vậy, nhân vật phụ này có thể trở thành vai chính trong một game của riêng mình – một spinoff game. Điển hình của thuật ngữ này chính là Pokémon Mystery Dungeon khi người chơi bị “lật kèo”, biến thành một con Pokémon hoang dã.
  • Teaser/ trailer: Những đoạn phim ngắn được cắt ghép khéo léo để dụ người chơi móc tiền mua game, những đoạn game này có thể tiết lộ nội dung chính nhưng đồng thời che giấu các tình tiết quan trọng thực sự của game khiến người chơi tò mò.

  • Toxicity: Chỉ hành vi chửi bới hoặc bắt nạt của một người chơi hoặc của một nhóm người chơi. Những game thủ có hành vi này sẽ bị mọi người gọi là “toxic fan”
  • Vapourware: Thuật ngữ game dùng để chỉ các game được công bố một thời gian rất lâu trước đó nhưng vẫn chưa được ra mắt chính thức và thường là bị bỏ ngang
  • WASD: Chỉ 4 phím điều hướng nhân vật trong game. Nhất là trên các tựa game góc nhìn thứ nhất. W là đi thẳng, S là lùi, A là sang trái, D là sang phải.
  • Zombie: Mấy cái xác sống đi qua đi lại trong những game kinh dị điển hình, ban đầu thì chúng rất ngu ngốc, sau đó một thời gian thì biết ôm chầm và đòi hôn hít cũng như nắm tay chân người chơi, dạo gần đây đã biết chạy nhanh hơn cả người chơi và kêu gọi đánh hội đồng.

Viết bình luận

Tên của bạn

Email của bạn

Nội dung

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên