Tay cầm game Nintendo đã tiến hóa ra sao qua 7 đời?

tay cầm game nintendo qua các thời kỳ


Kể từ những chiếc máy game tại gia (console) đầu tiên của mình đến nay, Nintendo không ngừng cải tiến và sáng tạo nên những sự mới mẻ. Điều này thể hiện vô cùng rõ ở thiết kế của tay cầm game Nintendo, những thứ mà chúng ta sắp điểm lại dưới đây.


Những chiếc tay cầm điều khiển là yếu tố lớn tác động trực tiếp đến trải nghiệm game của người chơi. Phím bấm tốt, bố trí hợp lý, dễ dàng thao tác sẽ giúp chúng ta tận hưởng trò chơi mượt mà và thoải mái hơn. Để có những chiếc tay cầm game tốt như hiện nay chúng ta dùng, các hãng game đã trải qua một thời gian dài tìm tòi, phát triển, thay đổi. Trong đó, có thể nói Nintendo đã có những cống hiến rất lớn.

Tay cầm game Nintendo qua 7 đời console chính

Vừa vặn để nắm trong lòng bàn tay

tay game nes


Mọi thứ bắt đầu vào năm 1983 với sự ra đời của Nintendo Entertainment System (NES) (ở Nhật gọi là Famicom). Trước NES, các kiểu tay cầm game thường là dạng 2 núm xoay để điểu chỉnh vị trí, hoặc cần joystick lớn đi cùng một số nút bấm bên cạnh. Tay cầm của NES giới thiệu với mọi người một thiết kế cực kỳ tinh gọn, có thể cầm dễ dàng trong tay, và trở thành một tiêu chuẩn mới.


Nó cũng là nơi khai sinh ra cụm phím điều hướng mà chúng ta hay gọi là D-pad. Thiết kế điều hướng kiểu chữ thập này rất nổi tiếng, nó lập tức được ứng dụng lên các hệ máy của Sega. D-pad đã trở thành một thứ không thể thiếu, chuẩn mực cho hàng loạt tay cầm game sau đó, thậm chí là đến tận bây giờ.

Bớt trống trải cho phần lưng

snes controller nintendo


Ở đời máy console tiếp theo của mình, Super Nintendo Entertainment System (SNES) (Super Famicom ở Nhật), Nintendo lại tạo ra một điều lớn lao khác. Tay cầm game Nintendo NES đã tạo cho người chơi một thói quen cầm điều khiển kiểu mới: hai bàn tay giữ nhẹ 2 bên tay cầm, ngón cái làm ngón nhấn chính. Và từ đó, ngón trỏ của người chơi thường tì nhẹ vào cạnh trên tay cầm. Nhận thấy tư thế tự nhiên này, Nintendo đưa lên không gian nhỏ đó 2 nút lưng (shoulder button).


Không chỉ vậy, cụm nút AB biến đổi thành ABXY, tăng gấp đôi số lượng và xếp theo hình thoi (hay gọi là hình kim cương). Nó mở rộng thêm các hành động mà người chơi có thể thao tác với game, mà vẫn giữ sự thoải mái nhờ cách bố trí nút phù hợp với sự linh hoạt, biên độ của ngón cái.


Các nút L,R và cách bố trí cụm 4 nút hành động cũng trở thành tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp.


Chơi game NES, SNES cầm tay

Thêm một cây cần nhỏ

tay cầm game nintendo 64


Tay cầm game Nintendo có bước tiến rất lớn khi Nintendo 64 ra đời, chính thức đi vào giai đoạn game 3D phát triển như vũ bão. Lần này, Sega không phải là đối thủ duy nhất của Nintendo với chiếc Sega Saturn. Sony cũng bắt đầu tham gia cuộc chơi console cùng thương hiệu PlayStation. Một lần nữa, Nintendo có thứ độc đáo mà các hệ máy khác không có.


Nintendo 64 ra mắt năm 1996, và nó khiến mọi người cả thấy bị thu hút. Không chỉ do đây là máy game 3D đầu của Nintendo, mà còn bởi chiếc tay cầm rất kỳ dị của mình.


Bỏ qua vẻ ngoài có người khen kẻ chê, tay cầm game Nintendo 64 đã mang tới một cấp độ mới về khả năng điều hướng trong video game, đặc biệt phù hợp với những game 3D đang được phát triển. Một chiếc cần analog đã khiến mọi thứ thay đổi mạnh mẽ. Chuẩn mực mới được lập ra. Ngay sau đó, Sony đã gấp rút thực hiện kiểu tay cầm mới và tung ra vào năm 1997, có gắn thêm cần analog để bắt kịp xu hướng. Hãng gọi nó là DualShock.

Tinh chỉnh thiết kế, tìm đến điểm cân bằng

tay chơi game nintendo gamecube


Tay cầm game Nintendo Game Cube đến bây giờ vẫn được nhiều người ưa chuộng và yêu thích, thậm chí game Super Smash Bros. Ultimate trên Nintendo Switch cũng còn hỗ trợ chơi bằng tay GameCube.


Điểm ăn tiền nhất ở tay cầm GameCube nằm ở việc bố trí lại vị trí các nút bấm. Nintendo đã làm một bố cục hoàn toàn mới, và nó đã chứng tỏ rất hữu dụng.


Cần analog trái sử dụng với tần suất cao nên được đẩy lên trên, ngay vị trí thuận tiện nhất của ngón cái, D-pad lùi xuống dưới, chủ yếu phục vụ việc chỉnh menu. Cần analog phải ít dùng hơn, hầu như chỉ để xoay camera nên nằm song song với D-pad. Bộ nút hành động cũng xếp lại và thay đổi cả kích thước, hình dáng tùy vào tần suất bấm của game thủ thay vì hình kim cương. Nút lưng làm dạng lõm, dễ tựa ngón tay hơn.


Một loạt các điều chỉnh tưởng nhỏ nhưng tất cả đều nhắm tới độ thoải mái của người dùng đã mang lại sức sống lâu dài cho tay cầm game Nintendo GameCube. Cách bố trí analog so le như vậy được dùng nhiều ở các tay cầm thế hệ mới nhờ sự hợp lý của mình.


Cách dùng tay GameCube trên Nintendo Switch

Thế hệ chuyển động

wiimote và nunchuck cua nintendo wii


Năm 2006, Nintendo làm cả thế giới đi từ kinh ngạc đến trầm trồ khi giới thiệu máy Nintendo Wii. Đó là cái gì vậy? Remote TV à? Tay cầm lại có 2 phần, cầm hai tay xa nhau? Ối trời ơi, nó còn chuyển động được kìa.


Không đi theo lối mòn trước đó, thậm chí sẵn sàng bỏ qua tất cả những tiêu chuẩn mình từng thiết lập, Nintendo tạo ra một thứ mới mẻ, mê hoặc tất cả. Chiếc tay cầm game Nintendo Wii sở hữu đặc tính cực độc, chơi game bằng cảm ứng chuyển động. Nó lập tức gây ra cú sốc trong văn hóa chơi game, mở ra những cuộc chạy đua mới. Sony phải tung ra tay Move, Microsoft thì làm hẳn dự án Kinect. Đáng tiếc, không chiếc tay cầm nào thành công như của Wii.


Cảm ứng chuyển động dần trở nên một phần không thể thiếu ở các tay cầm thế hệ sau. Đem lại khả năng tương tác hoàn toàn mới cho game thủ trong các trò chơi, cũng như tạo điều kiện cho các nhà làm game sáng tạo.


Nintendo Wii nổi tiếng

Sự thất bại khi công nghệ chưa chín

nintendo wii u gamepad


Tay cầm Wii U rất to, vì nó có cả một chiếc màn hình lớn bên trên. Ý tưởng có vẻ tốt khi muốn tăng độ linh động cho người chơi, dù khoảng cách xa, không có TV vẫn chơi được, nhưng lại không được bước tiến của công nghệ hỗ trợ. Máy Wii U có nhiều điểm hạn chế, nó đã thất bại. Nhưng ý tưởng từ chiếc tay cầm kỳ lạ, mang lại khả năng chơi như máy cầm tay đã tạo bước đà cho Nintendo Switch phát triển sau này, và thành công rực rỡ.

Kết hợp và chia sẻ


Joy-con của Nintendo Switch bề ngoài có vẻ khá bình thường, nhưng nó lại mang cái nhìn đột phá mới từ Nintendo. Đó là khả năng kết hợp, tách rời tay cầm theo kiểu module. Joy-con trái và Joy-con phải có thể hoạt động như một tay cầm độc lập, hoặc ghép chung lại với nhau để trở thành một thể duy nhất. Điều này diễn ra vô cùng trơn tru, mượt mà và dễ dàng. Giúp chơi được 2 người hoặc 1 người khi cần mà không phải mua thêm tay cầm.


Còn tương đối sớm để biết khả năng tách nhập này có được nhiều hãng khác học tập hay không, nhưng ai cũng phải thừa nhận là nó độc đáo. Nhìn xa hơn một chút, có thể ta sẽ sớm có các kiểu tay cầm tùy biến 2 bên trái phải theo mục đích, từng loại game mình chơi. Thích dạng nào chỉ cần thay phần có kiểu đó vào.


Các mẫu tay cầm Nintendo Switch

Hãy cứ phát triển những chiếc tay cầm game Nintendo kỳ lạ

Nintendo Power Glove


Những chiếc tay cầm game bạn thấy chỉ là kết quả cuối của hàng loạt thử nghiệm và liên tục tìm tòi cái mới của Nintendo. Nếu tìm hiểu thêm đôi chút, bạn sẽ thấy hãng còn nhiều mẫu kỳ quái hơn nữa cơ, và qua đó Nintendo sẽ kiểm tra sự phù hợp của thiết kế để sử dụng cho các thế hệ về sau. Thật chán khi giữ mãi một thiết kế đúng không nào. Mong rằng Nintendo sẽ mãi sáng tạo, mãi lạ lùng như vậy.